Đột tử: có thể dự phòng!
Các Website khác - 09/05/2005

Điều trị bệnh động mạch vành tim - một bệnh tim có nguy cơ gây đột tử cao - cho bệnh nhân bằng hệ thống máy DSA tại BV ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
TT - Có những bệnh nhân được đưa vào bệnh viện (BV) vì mệt mỏi, tiêu chảy, sốt hoặc nhức đầu. Họ tỉnh táo, ăn uống, đi lại bình thường, thế nhưng nửa đêm đột ngột tử vong. Ở VN không hiếm trường hợp đột tử. GS.TS Nguyễn Mạnh Phan - giám đốc BV Thống Nhất - cho biết cụ thể hơn về những nguyên nhân và cách phòng ngừa đột tử.

88% do bệnh tim

Trên thế giới hiện nay cứ 1.000 người sẽ có khoảng 1,2-2 người chết đột ngột. Tuổi càng cao tỉ lệ đột tử càng tăng. Về giới, nam nhiều hơn nữ, ở lứa tuổi 25-55: 7 nam/1 nữ, từ 64 tuổi trở lên: 2 nam/1 nữ. Bệnh lý tim là nguyên nhân chính của đột tử, chiếm 88% các trường hợp. Có những bệnh tim có thể phát hiện được nhưng có những trường hợp bệnh tiềm ẩn.

Đột tử do tim có ba lý do. Một la bệnh nhân bị loạn nhịp tim nặng. Bệnh nhân lên một cơn tim nhanh (còn gọi là kịch phát tâm thất), từ cơn nhanh thất đưa đến cơn rung thất (tim không đập mà chỉ rung) và chết. Những người bị bệnh tim di truyền mà không được phát hiện, điều trị, phần lớn chết đột ngột về đêm do loạn nhịp tim. Hai là bệnh nhân suy tim. Khi bị suy, tim không bóp được và không tống máu được, bệnh nhân tử vong. Ba là tắc (hoặc chỉ co thắt) động mạch vành tim (chiếm 50% số trường hợp chết vì bệnh tim), làm bệnh nhân lên cơn đau thắt ngực, vã mồ hôi, tụt huyết áp rồi chết.

12% do nhiễm trùng, thuốc...

12% trường hợp đột tử khác do những nguyên nhân thông thường.

Đột tử do siêu vi trùng. Những bệnh nhân này đến BV chỉ do sốt, mệt mỏi như bị cảm cúm nhưng ban đêm lại chết đột ngột. Một số siêu vi trùng có độc tính cao có thể làm bệnh nhân bị viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, suy tim cấp và đột tử. Những trường hợp tử vong do nguyên nhân này thường gây thắc mắc cho thân nhân và khó chẩn đoán.

Đột tử do thuốc. Tự mua thuốc điều trị là thói quen nguy hiểm, có nguy cơ khiến bệnh nhân đột tử. Erythromicine là một kháng sinh có thể nhiễm độc đối với tim, nhất là trên bệnh nhân đã bị bệnh tim, sẽ làm bệnh nặng thêm. Erythromicine còn được sử dụng điều trị các bệnh đường hô hấp ở trẻ em. Nếu trẻ có sẵn bệnh tim nào đó mà không biết thì thuốc có thể gây nguy cơ ngộ độc tim cho trẻ. Những thuốc điều trị suy tim, chống loạn nhịp tim như Digoxine, Cordarone cũng có thể gây đột tử.

Những thuốc có tác dụng lợi tiểu cũng phải sử dụng cẩn trọng vì gây mất muối kali cần cho sự hoạt động của tim. Ngoài ra, còn có những thuốc bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng một mình không sao nhưng có khi vì bị bệnh khác, bệnh nhân mua thêm thuốc khác uống. Hai thuốc tác động với nhau thành độc.

Đột tử do mất nước, mất muối. Thường xảy ra ở người già do đi tiêu lỏng, ra mồ hôi nhiều. Khi mất nước nhiều, lượng nước trong máu lưu thông giảm đi, bệnh nhân bị mất muối nhiều, trong đó có nhiều loại muối cần cho sự hoạt động của tim làm cho cơ tim suy yếu, loạn nhịp, chậm nhịp rồi chết.

Đột tử do cơn hen ác tính cũng thường gặp. Khi lên cơn hen ác tính, phế quản co thắt rất nặng, bệnh nhân thiếu oxy và nghẹt thở, tử vong nếu không được cấp cứu kịp.

Đột tử do vỡ động mạch rất khó chẩn đoán. Trước khi vỡ, động mạch thường bị phình to. Đôi khi chỉ cần một động tác gắng sức làm áp lực ở bụng tăng lên (đang nằm ngồi bật dậy, thậm chí có người táo bón, khi đi cầu chỉ cần rặn...) thì bệnh nhân có phình động mạch chủ bụng sẽ bị vỡ động mạch, máu chảy ào ạt, tử vong.

Có thể phòng ngừa

Đa số trường hợp đột tử thường không biết trước. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vẫn có thể phòng ngừa. Cụ thể, với những bệnh nhân mà bác sĩ đã báo trước có nguy cơ đột tử cao (tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành...) thì phải dùng thuốc bảo vệ tim theo chỉ định của thầy thuốc, khi thấy hơi đau ngực phải dùng thuốc và đến BV ngay. Người bình thường cũng nên theo dõi sức khỏe định kỳ, kiểm tra tim ở những cơ sở chuyên khoa để có biện pháp điều trị kịp thời, phòng ngừa những tình huống gây ra đột tử.

Không được tự ý mua thuốc uống, uống lại theo toa thuốc cũ. Khi cơ thể có rối loạn các chất muối hay bị hạ kali do mất nước cần đến BV ngay. Giữ cơ thể không bị cảm cúm, nhiễm siêu vi trùng. Nếu thấy người mệt mỏi quá mức khi bị cảm cúm nên đi kiểm tra sức khỏe, không nên ở nhà uống thuốc cảm hoặc cạo gió, rất nguy hiểm.

L.T.H. ghi