Không quá lo ngại về sự trở lại của bệnh bại liệt
Các Website khác - 07/05/2005
Tại Indonesia đã xuất hiện hai ca bệnh bại liệt. Một trong những nguyên nhân xuất hiện bệnh là do sự xâm nhập virus bại liệt từ châu Phi. Vậy Việt Nam sẽ làm gì để ngăn chặn và đối phó với sự xâm nhập loại virus này?
Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt quốc gia cho biết: Tổ chức Y tế thế giới đã từng có những khuyến cáo về khả năng xảy ra "sự cố" khi virus bại liệt hoang dại xâm nhập các nước. Virus được phân bố mọi nơi ở nguồn nước, trong thực phẩm không an toàn. Chúng cũng có thể có ở người sống ở vùng dịch di chuyển đến. Việt Nam đã đạt được các tiêu chuẩn khắt khe và được WHO công nhận là quốc gia thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Nhưng chúng ta cũng không chủ quan và cần thiết đề phòng về việc virus có thể xâm nhập.

* Như vậy cũng có thể dẫn đến khả năng xuất hiện những ca bệnh tại Việt Nam ?

- Từ hàng chục năm nay, hằng năm, chúng ta đều có các chiến dịch uống vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những người uống đầy đủ có khả năng miễn dịch lâu dài. Vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về sự trở lại của bệnh bại liệt. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát dịch của chúng ta đã có rất tốt, thiết lập từ tuyến xã. Trong trường hợp xuất hiện ca nghi nhiễm cần được báo cáo kịp thời, việc khoanh vùng và xử lý sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, không bao giờ được chủ quan mà bỏ qua việc chủ động phòng bệnh.

* Xin giáo sư cho biết về cơ chế lây và biện pháp phòng bệnh hữu hiệu?


"Để được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là quốc gia thanh toán bệnh bại liệt, chúng ta phải đạt được các chỉ tiêu cơ bản: ba năm liên tục không phát hiện ca bại liệt hoang dại; các chỉ số tiêm chủng phải đạt trên 90% (nhưng thực tế chúng ta đã đạt trên 95%) với trẻ dưới 5 tuổi. Chúng ta còn phải đạt các chỉ tiêu về giám sát liệt mêâm cấp ở trẻ em và không có các phòng thí nghiệm lưu trữ các bệnh phẩm làm lây nhiễm virus ra ngoài... Thực tế, từ năm 1997 đến nay, Việt Nam không phát hiện được ca bại liệt nào do virus bại liệt hoang dại trên toàn quốc".

PGS Hồ Minh Lý, Thư ký Ủy ban Xác nhận thanh toán bệnh bại liệt quốc gia


- Virus gây bệnh bại liệt có tên khoa học là Polio, ở người nó được gọi là Polio virus Hominis. Gọi là virus bại liệt hoang dại để chúng ta phân biệt virus gây bại liệt ở người với virus bại liệt dùng để sản xuất vắc-xin đã được làm giảm độc lực. Virus này lây qua đường tiêu hóa. Khi vào cơ thể, nó sẽ ở ruột. Nếu không có kháng thể chống đỡ, Polio tiếp tục vào máu, lên não, phá hỏng tế bào thần kinh gây liệt các cơ tương ứng: chân, tay. Nặng nề hơn, nó có thể gây liệt cơ hô hấp. Với trường hợp liệt cơ hô hấp, tỷ lệ tử vong rất cao. Năm 1959, nước ta đã từng xảy ra dịch bại liệt rất nặng nề. Bệnh có thể lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, qua thức ăn nhiễm virus bại liệt. Do vậy việc giữ vệ sinh ăn uống là rất quan trọng cho phòng bệnh.

Chúng ta không quá lo sợ về bệnh bại liệt vì ta có rất nhiều kinh nghiệm đối phó, giám sát rất tốt. Để chủ động phòng tránh, ngay từ khi trẻ mới được sinh đếán dưới 5 tuổi, các gia đình cần cho con em mình uống vắc-xin phòng bại liệt. Vắc-xin giúp cho việc chủ động phòng bệnh và đã được nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Từ nhiều năm nay, trong nước đã hoàn toàn chủ động được việc sản xuất vắc-xin phòng bại liệt, bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Theo Theo Thanh niên