Câu chuyện về gia đình bé Lavie Parush dùng cần sa chữa bệnh động kinh cho em được đăng tải trên CNN lại làm dấy lên tranh cãi về việc sử dụng cần sa chữa bệnh có an toàn và hiệu quả cho trẻ nhỏ?
“Chẳng có gì để mất”
"Ngay lập tức, họ đưa con đến phòng cấp cứu", anh Asaf nhớ về đêm đầu tiên Lavie lên cơn co giật. "Các bác sĩ đã tiêm thuốc và con trai tôi đã bất tỉnh suốt tuần đầu tiên sinh ra".
Trong suốt 6 tháng sau, Asaf cùng vợ, Noa, luôn tin rằng Lavie sẽ khỏe hơn. Thế nhưng cơn động kinh ngày càng trở nặng. Bé trai co giật hàng chục lần một ngày. Các bác sĩ chẩn đoán Lavie bị bại não, hệ thần kinh hư tổn trầm trọng.
Các bác sĩ đã thử hết loại thuốc này đến loại thuốc khác nhằm chặn các cơn động kinh nhưng đều đem lại kết quả thất vọng, các cơn động kinh không hề suy giảm. Ví dụ như steroid làm suy yếu hệ miễn dịch của Lavie và cơ thể em trở nên phù nề. Ngay trước sinh nhật một tuổi của Lavie, Asaf nghe đến việc sử dụng cần sa y tế để điều trị bệnh động kinh.
![]() |
Anh Asaf Parish dùng dầu cần sa cho con trai bị động kinh của mình |
Không giống với các loại thuốc thông thường, cần sa không được kê đơn ở Israel. Thay vào đó, các chuyên gia xin cấp giấy phép để bệnh nhân được dùng cần sa điều trị đau mạn tính, giảm tác dụng phụ của hóa trị, bệnh động kinh cùng nhiều vấn đề khác. Giấp phép cho phép bệnh nhân có thể sử dụng 20-200 gr cần sa mỗi tháng với giá cố định 100 USD. Hiện 23.000 người bệnh nước này có giấy phép sử dụng. Bộ trưởng Y tế Israel thừa nhận hiệu quả và độ an toàn của cần sa y tế chưa được xác minh nhưng thực sự cải thiện một số vấn đề sức khỏe. Bệnh nhân chọn mua cần sa từ 1 trong 8 cơ sở sản xuất rồi nhận tại bệnh viện hoặc phòng khám. Cần sa có sẵn dưới dạng thuốc lá, dầu, viên.
Với sự chấp thuận từ Bộ Y tế, gia đình Lavie trộn một vài giọt dầu cần sa vào bữa ăn của em bé 2 tuổi. "Sau vài tuần chúng tôi không còn thấy cơn co giật nào nữa", Asaf chia sẻ.
Đối mặt với chỉ trích dùng cần sa chữa bệnh cho con, Asaf cho biết: "Tôi sẽ nói rằng, trong trường hợp như thế, có điên mới không thử. Với tôi, chẳng vấn đề gì vì không hề xuất hiện tác dụng phụ. Chẳng có gì để mất".
Không được kê liều lượng chính xác, bố mẹ Lavie tự ước chừng cho con. Họ sử dụng CBD hàng ngày và THC khi nào Lavie lên cơn co giật mạnh. THC khiến bé trai "phê". "Mỗi lần làm điều đó, tôi và vợ lại nói chuyện với nhau", Asaf kể. "Ban đầu chúng tôi khá lo lắng rồi nghĩ đến những gì mình đang thấy. Trước đây, chúng tôi chứng kiến một đứa trẻ vật lộn với bệnh tật, giờ thì không còn nữa".
Hầu hết các bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nhìn thấy con cái mình lớn lên, kết hôn và xây dựng gia đình. Còn Asaf Parush chỉ ước mơ đơn giản hơn nhiều. Đó là tiếng gọi "cha" của đứa con trai.
Chưa đủ bằng chứng để coi cần sa như loại thuốc an toàn
Khảo sát năm 2013 trên 19 trẻ em từ 2 - 16 tuổi bị động kinh của Đại học Stanford cho thấy 16 em được bố mẹ cho dùng cần sa, nhờ đó giảm triệu chứng.
Một nghiên cứu năm 2015 của Tiến sĩ Orrin Devinsky từ Trung tâm nghiên cứu Bệnh Động kinh của Đại học NYU Langone (Mỹ) chỉ ra cần sa giảm 54% cơn động kinh ở 137 bệnh nhân bị động kinh nặng và không đáp ứng các hình thức điều trị khác. Tuy nhiên, kết quả không đáng tin cậy do không tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất nghiên cứu khoa học, bao gồm thử nghiệm ngẫu nhiên và đánh giá ngang.
Có rất ít các nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn của cần sa y tế ở trẻ sơ sinh và trẻ em, bởi tiến hành nghiên cứu về cần sa y tế có thể tốn kém và khó khăn.
Một trong những bệnh nhi sử dụng cần sa nổi tiếng nhất là Charlotte Figi. Em bắt đầu dùng loại dầu cần sa tương tự Avidekel từ năm lên 5 để điều trị bệnh động kinh. Sau thời gian chữa bệnh, cường độ và tần suất co giật của e giảm đáng kể. Câu chuyện thành công của cô bé đã trở thành minh chứng điển hình được đề cập trong mọi cuộc tranh luận đòi hợp pháp hóa cần sa ở Mỹ.
CNN dẫn lời tiến sĩ Uri Kramer, trưởng khoa Điều trị Động kinh Trẻ em tại Bệnh viện Ichilov cho rằng cần sa y tế mang lại kết quả đầy hứa hẹn ở trẻ em động kinh không đáp ứng với thuốc. Dựa trên kinh nghiệm bản thân, Kramer kết luận cần sa y tế giảm 20% cơn co giật trên 75% bệnh nhi. "Như thế là cao hơn bất cứ loại thuốc nào trên thị trường", Tiến sĩ Uri Kramer cho biết. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ bằng chứng để coi cần sa như loại thuốc an toàn và hiệu quả.
Bác sĩ thần kinh nhi Angus Wilfong từ Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ) nhận định sử dụng cần sa phải rất thận trọng bởi "không nên sử dụng thuốc cho trẻ em khi chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả, độ an toàn, dung nạp, liều lượng". Bộ não mới phát triển của bé rất dễ bị tổn thương do thuốc và chất độc. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thiếu niên sử dụng cần sa trước tuổi 14 có bộ não nhỏ hơn và IQ thấp hơn.
Dùng cần sa là vi phạm luật
Việc dùng cần sa với mục đích y học hiện đang là đề tài thảo luận, bàn cãi của nhiều giới chức trong cũng như ngoài ngành y khoa với nhiều ý kiến chống và thuận, chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, cho tới hiện nay, cần sa vẫn được coi như chất kích thích bất hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Người tàng trữ, trồng, sử dụng cần sa bị xử lý theo pháp luật.
Theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cần sa và các chế phẩm từ cần sa là chất cấm nằm trong danh mục 1. Đây là chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y tế và đời sống xã hội.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, theo Luật Khám, chữa bệnh, bất kỳ một phương pháp chữa bệnh nào, dùng thuốc hay không dùng thuốc đều phải được Bộ Y tế thừa nhận và cho phép. Bên cạnh đó, theo Luật Dược, những loại thuốc được phép đăng ký lưu hành (trong đó có thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất) phải nằm trong danh mục được Nhà nước cho phép và đây là cơ chế quản lý đặc biệt. Nếu sử dụng sai đều được coi là sử dụng trái phép chất ma túy.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, việc dùng cần sa chữa bệnh không dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra một số biến chứng khó lường như nôn, buồn nôn hoặc một số biến chứng về tiêu hóa, tim mạch. Thậm chí, nếu không kiểm soát còn dẫn tới tình trạng nghiện nặng.
▪ Ăn quá ít chất béo sẽ gây hại cho sức khỏe (25/05/2016)
▪ Dấu hiệu nam giới bước vào thời kỳ mãn dục (25/05/2016)
▪ Trẻ nheo mắt liên tục: Không khám sớm sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề (24/05/2016)
▪ Gay cấn ca cấp cứu chàng trai Úc gốc Việt thoát khỏi cửa tử (24/05/2016)
▪ Những lợi ích cho sức khỏe khi bạn cười (24/05/2016)
▪ Những trục trặc về ‘súng’ không nên bỏ qua (24/05/2016)
▪ Phục hồi thị lực sau 40 năm nhờ cấy mắt điện tử (23/05/2016)
▪ Những loại thực phẩm khiến bạn trở nên cáu kỉnh (23/05/2016)
▪ Chị em sôi sục với sản phẩm giúp trẻ hoá làn da ngay tức khắc (21/05/2016)
▪ 5 thành tựu y học “cách mạng hóa” đời sống tình dục (21/05/2016)