Thế nào là ghép thận tự thân?
Ghép thận tự thân là việc các bác sĩ tiến hành sửa chữa thận ngoài cơ thể và ghép lại cho người bệnh. Hai bệnh nhân được áp dụng phương pháp này đều bị u phúc mạc lớn, một người ở thận trái và một người ở vùng thận phải . Vì vậy muốn lấy trọn khối u trên phải tiến hành cắt bỏ nguyên khối cả thận bên trong. Tuy nhiên sau khi phẫu tích thận ra khỏi khối u, kíp phẫu thuật nhận thấy thận còn khá tốt, mặc dù cuống thận còn lại rất ngắn nên các bác sĩ quyết định rửa thận rồi ghép lại cho bệnh nhân.
Bệnh nhân thứ nhất bị khối u phúc mạc nằm ở giữa rốn lách và thận trái, xâm lấn mạch máu cuống thận và niệu quản trái, đẩy lách lên trên, đẩy thận trái xuống dưới, đẩy bao tử, đại tràng ngang ra trước và lên trên. Sau khi được ghép thận trở lại cơ thể, các dấu hiệu sinh tồn của thận bắt đầu ổn định. Huyết áp không thay đổi so với trước lúc mổ chứng tỏ thận không thiếu máu. Lượng nước tiểu ở mức cho phép… 14 ngày sau khi mổ, qua siêu âm nhận thấy thận ở hố chậu trái có cấu trúc, kích thước và khả năng tưới máu bình thường. Sau 17 ngày thấy thận được ghép tự thân hoạt động khá tốt, đài bể thận co giãn như thận khoẻ mạnh.
Bệnh nhân thứ hai bị u sau phúc mạc dưới gan, phát triển quanh thận và dưới thận khiến người bệnh tiểu kèm máu và đau tức hông phải, gan nhiễm mỡ và có sỏi túi mật. Sau khi lấy thận ra khỏi cơ thể để cắt khối u và nhận thấy chức năng thận vẫn tốt, bác sĩ tiến hành ghép thận trở lại cơ thể người bệnh. Qua theo dõi cho thấy, sau ghép thận có mầu sắc bình thường, nhu mô thận có độ cứng như thận bình thường, máu lưu thông trong thận tốt. Ngày thứ sáu sau mổ, bệnh nhân được rút ống niệu quản vì nước tiểu ra khá tốt và trong dần. Hai bệnh nhân này đều được hẹn tái khám định kỳ để theo dõi kết quả lâu dài.
Đối tượng nào được áp dụng phương pháp này?
Ghép thận tự thân được chỉ định trong chấn thương dập, đứt rời cuống thận, trong bệnh động mạch thận, phình động mạch chủ bụng và thận móng ngựa và đôi khi với cả bệnh nhân có khối u lan rộng, chèn ép cuống thận mà khả năng sửa chữa tại chỗ không thể làm được một cách triệt để. Với bệnh nhân bị khối u xâm lấn bao thận, bể thận, niệu quản hay mạch máu thì phải cắt bỏ cả thận để phẫu thuật được triệt để. Thận cắt ra được phẫu tích trong điều kiện và môi trường riêng. Nếu thấy thận còn tốt, các tổn thương u đã lấy sạch thì có thể ghép lại ngay hoặc sau khi chiếu tia, ngâm hoá chất. Phương pháp này có ích với trường hợp còn thận độc nhất hay chức năng của thận còn lại rất kém.
Trong chấn thương, khi các mạch máu đến thận hay niệu quản, bể thận bị dập nát thì có thể sửa chữa, khâu nối, tạo hình tại chỗ. Tuy nhiên với trường hợp bị nặng quá thì phải cắt thận ra, sửa chữa tốt ở bên ngoài rồi ghép lại ở chỗ cũ hoặc ở hố chậu… Hay khi bệnh nhân được chẩn đoán động mạch thận bị hẹp hoặc nghẹt phức tạp, phình động mạch chủ bụng với thận móng ngựa, không thể nong, làm cầu nối hay phẫu thuật tại chỗ được thì cũng có thể áp dụng phương pháp ghép thận tự thân nếu việc sửa chữa, cắt bỏ các u thành công và chức năng thận còn tốt.
Ghép thận tự thân thường có tỷ lệ thành công cao khi có chuẩn bị trước, đặc biệt là có môi trường và các dung dịch lạnh để rửa thận trước khi ghép. Vì vậy, việc chẩn đoán trước khi mổ cũng như việc sửa chữa, bóc tách khối u, nơi chấn thương và chẩn đoán chức năng của thận sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Bởi những kỹ thuật trên được thực hiện chính xác thì người bệnh không chỉ chữa được bệnh mà còn giữ lại được quả thận của mình, đồng thời giảm chi phí cho kỹ thuật ghép mô, tạng, tránh hiện tượng thải ghép… khi bệnh nhân không may chỉ còn quả thận duy nhất hoặc chức năng thận còn lại quá kém.
|