Vào bốn buổi sáng thứ bảy của tháng 11, tháng hành động quốc tế vì bệnh tiểu đường, Bệnh viện Pháp Việt tổ chức khám miễn phí bệnh này tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố.
Buổi khám đầu tiên (6/11) tổ chức tại siêu thị Coopmart, 571 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận. Buổi thứ 2 (13/11) ở siêu thị Metro Bình Phú, khu dân cư Bình Phú, quận 6. Địa điểm khám tiểu đường vào buổi sáng thứ bảy ngày 20/11 là siêu thị Saigon Tourist, 35bis – 45 Lê Thánh Tôn, quận 1. Buổi khám cuối cùng (27/11) diễn ra tại siêu thị Metro An Phú, khu dân cư An Phú, An Khánh, quận 2.
Bạn có cần đi khám tiểu đường vào đợt này không? Câu trả lời là có nếu đôi khi bạn cảm thấy bất ổn nhưng không biết chính xác tại sao; hoặc đột nhiên cảm thấy khát và uống rất nhiều nước; thường xuyên mệt mỏi và đói một cách bất thường, hoặc bỗng nhiên bị sút cân. Đó chính là các triệu chứng của tiểu đường - một trong những bệnh phổ biến và đang ngày càng tăng ở Việt Nam.
Sự gia tăng bệnh tiểu đường có nguồn gốc từ tình trạng gia tăng số người béo phì cũng như lối sống thụ động và thói quen ăn uống không khoa học. Tiến sĩ Fabrice Chaix, trưởng khoa Nội, Bệnh viện Pháp Việt cho biết, 95% trường hợp tiểu đường tại Việt Nam thuộc type 2, có nguyên nhân trực tiếp từ bệnh béo phì.
Tất cả những người trên 45 tuổi nên kiểm tra lượng đường huyết, cholesterol và huyết áp theo định kỳ hằng năm (vì tiểu đường có liên quan đến nhiều bệnh khác như thận, tim và mạch vành). Bạn cần làm thế sớm hơn nếu bị bệnh béo phì, ít vận động, mắc chứng cao huyết áp hoặc có bố mẹ bị tiểu đường.
Tiểu đường có thể được phát hiện nhanh thông qua xét nghiệm máu. Người bệnh có thể sống an toàn nếu thay đổi cách ăn uống sinh hoạt:
- Tránh hoặc giảm lượng “đường nhanh” như sacarose, thường có trong mật ong, các món tráng miệng, đồ uống có ga. Ăn nhiều “đường chậm” có trong bột mỳ và gạo.
- Luôn luôn chọn chất béo chưa bão hoà – có trong cá và dầu thực vật. Chọn thịt không có mỡ và ăn cá ít nhất 2-3 lần trong tuần
- Ăn đều đặn 3 bữa một ngày.
- Cẩn thận với các chất béo vô hình có trong bánh ngọt và một số loại thịt.
- Giảm lượng thức ăn rán trong khẩu phần, hạn chế uống rượu và giảm lượng muối ăn.
Nhiều người nghĩ rằng để tránh bị tiểu đường chúng ta cần phải kiêng ăn và uống đường. Điều này không đúng. Mặc dù nhiều người tiêu thụ lượng đường nhiều hơn mức cần thiết, song đối với đại bộ phận chúng ta, đường thật sự rất cần thiết cho cơ thể, thậm chí đối với cả bệnh nhân tiểu đường. Vấn đề ở đây là mức độ vừa đủ. Đường cung cấp năng lượng cho cơ thể của chúng ta, đặc biệt là não. Không nên loại bỏ đường ra khỏi bữa ăn mà cần phải biết đường nào là tốt và đường nào là có hại, cũng như chất béo nào tốt và chất béo nào gây bệnh. Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng sẽ giúp bạn tránh được và đẩy lùi được bệnh.
S.K.