LTS: "Làm thế nào để trả lời các câu hỏi tế nhị và rắc rối mà những đứa trẻ dưới 12 tuổi đặt ra cho bạn về giới tính, ma túy, cái chết, ly hôn...? Trong cuốn Hãy dám trả lời các câu hỏi của con bạn, Bác sĩ Miriam Stoppard, chuyên gia người Pháp về giáo dục và bảo vệ trẻ em, sẽ giúp bạn nắm vững điểm mốc và điều cần biết ẩn giấu sau mỗi thắc mắc của trẻ, để bạn có khả năng linh hoạt khi giải đáp. Điều quan trọng nhất mà tác giả muốn khuyến cáo với các bậc cha mẹ là: Khi cung cấp cho trẻ 1 thông tin chính xác, bạn sẽ giúp trẻ vượt qua những khủng hoảng của tuổi dậy thì.
Sách được dịch giả Trần Thanh Hoa chuyển ngữ, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2002".
Lời mở đầu
Có rất nhiều lý do thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Trước tiên, tôi luôn cho rằng cần phải nói với lũ trẻ sự thật. Cha mẹ thường rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Khi con cái họ đưa ra một câu hỏi tế nhị, họ muốn trả lời chính xác nhưng đôi khi họ lại sợ chúng chưa đủ lớn để hiểu một cách tường tận.
Chắc chắn cách suy nghĩ này là đúng, nhưng thay vì việc lảng tránh hoặc đưa cho bọn trẻ một câu trả lời không đầy đủ, cha mẹ có thể nói thật với chúng ở một mức độ chúng có thể hiểu được. Bọn trẻ tò mò là hết sức tự nhiên. Ngay từ khi biết đặt câu hỏi (khoảng từ 2 tuổi), chúng không ngừng quấy rối cha mẹ với các câu hỏi “Tại sao?”, “Cái gì?”, “Ở đâu?”, “Thế nào?”. Nhưng nếu cha mẹ giải thích cho chúng biết ôtô vận hành như thế nào thì tiếp đó sẽ phải trả lời các câu hỏi tựa như: “Người ta tạo ra em bé bằng cách nào?”.
Nói sự thật, nghĩa là cha mẹ bắt đầu từ việc nói với chúng về những việc đơn giản, rồi dần dần bổ sung thêm thông tin khi đứa trẻ lớn lên. Ví dụ như: Rất ít trẻ em dưới 8 tuổi có thể hiểu được các cơ chế của bản năng giới tính, một số biết quá muộn còn một số biết có sớm hơn đôi chút. Tốt hơn là chúng ta đừng phức tạp hóa vấn đề khi bọn trẻ chỉ cần những lời giải thích đơn giản. Ngược lại, khi một đứa trẻ đã đủ lớn - xét về mặt trí tuệ và tinh thần - thì chúng ta đừng ngần ngại cung cấp thông tin cho nó. Con của bạn muốn học hỏi và trong vô vọng, chúng muốn làm tiêu tan điều bí mật và sự bối rối, ngượng ngùng xung quanh một số câu hỏi. Hãy trả lời chúng vào thời điểm thích hợp, bạn sẽ không còn cảm thấy bối rối nữa!
Tạo ra niềm tin từ hai phía
Phần đông cha mẹ cho rằng cần phải chia làm 2 phía để trả lời câu hỏi về giới tính: người bố nói với con trai, còn người mẹ nói với con gái.
Điều đó có vẻ bình thường nhưng trên thực tế, sự lựa chọn này sẽ là vụng về nếu một trong hai người (bố hoặc mẹ) dễ dàng giải thích về mọi thứ, còn người kia lại tỏ ra quá ngại ngùng. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của đứa trẻ và hiển nhiên bạn sẽ thấy người phù hợp nhất để trả lời các câu hỏi của trẻ là người luôn sẵn làm việc đó, không kể là bố hay là mẹ.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cha mẹ là trò chuyện với con cái, và cha mẹ phải làm tất cả để đứa trẻ tin tưởng thổ lộ với mình từ khi chúng còn nhỏ cho đến lúc chúng lớn lên. Bạn muốn đứa trẻ hướng về ai khi chúng cần thông tin, cần sự giúp đỡ hay một lời khuyên? Cha mẹ thường ngạc nhiên khi con cái họ trở nên ít nói, tự khép mình và tỏ ra “bất cần” khi chúng ở lứa tuổi thiếu niên. Nên hiểu rằng : ở lứa tuổi này không tránh được những thay đổi lớn về tính khí, vì vậy lũ trẻ sẽ dễ dàng xa cách cha mẹ hơn khi lúc chúng gặp khó khăn nếu như những câu hỏi mà chúng đặt ra luôn bị cha mẹ từ chối trả lời.
Khuyến khích một cuộc đối thoại thực sự
Cha mẹ trả lời các câu hỏi tế nhị của con cái một cách thoái thác làm cho một số đề tài không thể đề cập trong gia đình và tệ hơn, họ buộc bọn trẻ chấp nhận một thái độ đạo đức giả. Cha mẹ đối thoại với con cái, thẳng thắn trả lời chúng - điều đó giúp họ tạo ra niềm tin vào chính mình, tạo ra sự ôn hòa và vô tư ở bọn trẻ, làm cho bọn trẻ có khả năng suy nghĩ, cân nhắc và tự chịu trách nhiệm về quyết định của chúng. Cuộc đối thoại rất cần thiết này giữa cha mẹ và con cái phải được thiết lập từ sớm và duy trì trong suốt khoảng thời gian mà chúng ta ở nhà. Do đó tôi đưa ra những câu trả lời phù hợp với bọn trẻ ngay từ khi chúng còn rất nhỏ.Việc giáo dục con cái, trước tiên là do bạn gánh vác. Tri thức của chúng bắt đầu từ gia đình. Đôi khi bạn tự hỏi liệu một thông tin, nhất là thông tin về giới tính hay về ma túy - có thể có hại đối với bọn trẻ hay không và bạn né tránh các câu hỏi của chúng vì sợ chúng sẽ thử làm theo. Việc trả lời chúng chẳng có gì là sai trái. Chính những đứa trẻ thiếu thông tin mới muốn thử nghiệm và có nguy cơ chúng tự làm cho mình bị nguy hiểm. Nhiều cuộc điều tra đã chứng minh rằng việc giáo dục chu đáo về giới tính không làm cho bọn trẻ tò mò thử nghiệm, cũng chẳng làm cho chúng có hành động vô trách nhiệm, mà thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Cha mẹ không cung cấp thông tin cho con cái - điều đó đồng nghĩa với việc không đưa cho chúng những công cụ cần thiết để hành động có trách nhiệm. Nhìn chung lối nhận thức này đúng cả trong những lĩnh vực khác như ma túy, rượu hay thuốc lá.
(còn tiếp)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Yếu tố nào thuận lợi cho bệnh ung thư vú phát triển? (09/11/2004)
▪ Làm thế nào khắc phục chứng giật chân? (09/11/2004)
▪ Túi lưới giúp bệnh nhân lớn tim (09/11/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 99) (09/11/2004)
▪ Rối loạn kinh nguyệt sau khi uống viên tránh thai (09/11/2004)
▪ Cây dành dành chữa bệnh gan? (09/11/2004)
▪ Dầu thực vật giảm nguy cơ bị bệnh tim (09/11/2004)