Lần đầu tiên tạo ra tế bào gốc 'cá nhân'
Các Website khác - 20/05/2005
Tế bào gốc thế hệ mới có thể né tránh các vấn đề đào thải.

Các nhà khoa học Hàn Quốc vừa phát triển thành công loại tế bào gốc có khả năng thích ứng với từng cá thể người bệnh.

11 dòng tế bào gốc "thế hệ mới" đã chào đời, trong đó mỗi dòng được tạo ra bằng cách lấy chất liệu gene từ bệnh nhân và đặt nó vào trứng hiến. Các tế bào gốc sinh ra có khả năng tương thích hoàn hảo với chính người bệnh, và có thể dùng để trị bệnh mà không sợ sự cố đào thải.

Tế bào gốc là loại tế bào nguyên thuỷ, được "lập trình" để phát triển thành nhiều loại mô trong cơ thể. Để biến chúng thành "của riêng" cho từng người bệnh, nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Seoul đã lấy ADN từ tế bào da của tình nguyện viên và đưa nó vào trứng của người hiến đã không còn chất liệu gene. Khi trứng này phát triển đến giai đoạn mới chớm của thời kỳ phôi (khoảng 6 ngày kể từ khi cấy ghép), nghĩa là khi chúng chỉ là những quả cầu tế bào nhỏ bé, người ta sẽ "thu hoạch" tế bào gốc.

Khi kiểm tra những tế bào gốc thành phẩm trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu quan sát thấy chúng dường như tương thích hoàn hảo với cá nhân hiến ADN về mặt miễn dịch.

Kết quả trên đã gây tiếng vang trong giới khoa học. "Đây là bước tiến quan trọng trong lĩnh vực sử dụng tế bào từ phôi người nhân bản để phục vụ nghiên cứu và chữa bệnh", giáo sư Ian Wilmut, Viện nghiên cứu Roslin (Anh) - người tạo ra cừu Dolly nhân bản nhận định.

Tuy nhiên, theo trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Woo Suk Hwang, họ vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua. Ví dụ, những tế bào gốc thế hệ mới mang một số đặc tính của căn bệnh mà người hiến ADN mắc phải. Do đó, họ cần phải "uốn nắn" chúng trước khi đưa vào điều trị. Ngoài ra, người ta cần phát triển các phương pháp điều khiển sự phát triển của tế bào gốc để chúng trở thành những tế bào ổn định.

"Cần phải lấy đi những thành tố động vật còn sót lại trong tế bào gốc từ quá trình xử lý ở phòng thí nghiệm", Hwang cho biết. Hiện nay, người ta vẫn phải sử dụng các men từ động vật để phân lập tế bào phục vụ nghiên cứu.

Mỹ Linh (theo BBC)