Lột da ở chợ quê
Các Website khác - 07/01/2005
Kem lột da được pha ngay ở chợ.

Tại các chợ quê ở miền Tây Nam bộ đang phát triển rầm rộ dịch vụ "lột da". Nó được đón nhận rất hồ hởi nhờ những lời quảng cáo là "giúp trắng da nhanh chóng mà lại rẻ tiền". Nhiều phụ nữ cắn răng chịu đau, chịu ngứa khi lột, mong có được làn da "trắng như gái thành thị".

Tại một chợ huyện ở miền Tây, tất cả các sạp mỹ phẩm đều công khai bày bán đủ các loại sản phẩm dùng để lột da. Rất nhiều phụ nữ túm tụm xem và mua hàng. Ở một sạp khá lớn, cô chủ còn rất trẻ đưa cả 2 cánh tay trắng ngần ra tiếp thị: “Em coi, chị trắng như vầy là nhờ lột da đó”. Đoạn cô đem hầu hết những sản phẩm hiện có ra giới thiệu, trong đó có 3 loại mà cô cho là hiệu quả nhất, có công dụng lột trắng “tốc hành”. Một là loại lột nhanh trong 3 tiếng, có màu hồng, đựng trong hộp nhựa nhỏ, bao gồm cả dạng bột và dạng lỏng, giá 35.000 đồng/hộp. Sản phẩm không hề có nhãn mác, nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng, chỉ độc một mảnh giấy học trò ghi ngắn gọn cách sử dụng. Loại thứ 2 do cô chủ tự chế với giá 45.000 đồng/hộp. Nó đắt hơn vì "bào chế toàn bằng những thứ kem tốt, có cả sữa dưỡng thể Nivea của Đức". Hình dạng và bao bì cũng như loại trên, chỉ khác là có màu vàng. Sản phẩm thứ 3 có tên công ty sản xuất hẳn hoi, nhưng ngày sản xuất và hạn sử dụng lại để trống, được giới thiệu “nhẹ đô” hơn vì chỉ “tẩy” trong 15 phút. Thành phần chính của nó là bột magne cacbonat, alginat, silicat... và kem cetylalcohol, sodium lauryl sylface, Hhdro proxide, hương liệu, nước cất. Loại này đựng trong lọ nhựa, có màu tím, được bán với giá 16.000 đồng/lọ nhưng phải dùng tối thiểu 3 lọ/một cánh tay.

Ngoài các sản phẩm "cơ bản" trên, cô chủ sạp còn giới thiệu các mỹ phẩm dưỡng thể, sữa tắm trắng để “dùng sau khi lột da nhằm duy trì lâu độ trắng”. Nhiều loại được quảng cáo là hàng xách tay với giá hàng trăm nghìn đồng và “phải giấu vào trong kẻo bị đánh thuế, chỉ khi gặp khách "sộp" ở thị trấn xuống mới lấy ra chào hàng”.

Tại một chợ khác, nhiều chủ sạp mỹ phẩm pha kem lột da ngay tại chợ, có người pha không kịp bán. Kem được đựng trong những hộp nhựa mà các cửa hàng nữ trang thường dùng để đựng vàng. Hộp nhỏ nhất có giá 10.000 đồng và lớn nhất 30.000 đồng. Cách dùng rất đơn giản: hòa dạng bột và dạng lỏng vào nhau rồi bôi lên những chỗ cần lột. Trước một sạp mỹ phẩm, một phụ nữ khoảng 30 tuổi đang ngồi gãi sồn sột trên 2 cánh tay nổi đầy mẩn đỏ. Chị nói: “Sau khi bôi kem, tôi ngứa quá không chịu được, vội rửa sạch và quay ngay lên chợ để hỏi”. Người bán hàng vội xua tay: “Thôi, chị giữ im lặng dùm cho tôi bán hàng, rồi tôi sẽ đền cho chị một loại khác”.

Chị Nhũ, quê ở Tiền Giang sau khi dùng sản phẩm lột nhẹ giá 16.000 đồng/lọ nói trên đã lập tức ân hận. Chỉ không đầy 5 phút sau, toàn bộ 2 cánh tay ngứa đến phát cuồng, chị lập tức xả tay ngay dưới vòi nước, vừa xả vừa “gãi đến tróc cả da”. Nhiều phụ nữ khác cũng gặp tình trạng đó nhưng nghĩ rằng đó là ý đồ của nhà sản xuất, “có ngứa, có gãi, da mới lột ra được” nên vẫn cắn răng làm đúng quy trình: trộn sản phẩm, bôi lên da rồi lấy nylon quấn chặt. Sau 3 tiếng chịu đựng cảm giác nóng rát ghê gớm, họ bôi một lớp kem dưỡng và để yên 2 tiếng nữa rồi mới lột lớp da đã bong ra. Làn da mới đỏ hoe như bị bỏng và nóng rát đến cả chục ngày, đụng vào nước cũng đau. Một chị thậm chí còn bị sốc và ngợp tim sau khi lột da toàn thân.

Một số người sau khi "lột xác" có vẻ cũng trắng thêm đôi chút; nhưng chỉ vài ngày sau là “mèo lại hoàn mèo”.

Trước khi xuất hiện “các thẩm mỹ viện” cung cấp dịch vụ lột da ngay tại chợ, nhiều phụ nữ nông thôn đã được chăm sóc bởi các “chuyên gia làm đẹp dạo”. Họ phục vụ từ A đến Z và lấy giá từ 150.000 đồng/lần trở lên. Dù đã có nhiều người bị tai biến nhưng số chị em đến với dịch vụ này ngày càng tăng. Người này làm rồi giới thiệu cho người khác, cứ thế họ lần lượt rủ nhau đi lột xác. Một chị lý luận: "Dù ở nông thôn hay thành thị, đã là phụ nữ thì ai cũng thích làm đẹp. Với điều kiện như chúng tôi, giá dịch vụ như vậy là chấp nhận được. Nếu may mắn sẽ có làn da trắng đẹp, ngược lại thì cũng chỉ mất vài chục nghìn đồng".

Nhưng theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng thuộc Bệnh viện Da Liễu TP HCM, sự tốn kém không chỉ dừng lại ở mức vài chục nghìn đồng như họ tưởng nếu xảy ra tai biến. Ông cho biết, phương pháp lột da có thể chấp nhận khi cần lột ở một số vùng da nhỏ sần sùi, có nhiều tế bào chết. Sau lột, da có thể sáng hơn, nhưng kết quả còn tùy thuộc vào loại da và cách làm. Sẽ rất nguy hiểm nếu lột da toàn thân. Đã có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do bị sốc, bỏng, mất điện giải, mất nước... sau khi lột da.

Bác sĩ Hoàng cũng cho biết, với những trường hợp may mắn có làn da sáng hơn sau lột, niềm hạnh phúc cũng rất ngắn ngủi. Sau ít ngày, làn da trở nên nám đen vì dễ bắt nắng hơn trước nhiều lần. Nguy cơ viêm da ở những người này rất cao.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)