Đi khám bác sĩ nào?
Nếu em ở một nơi chỉ có một bác sĩ thì chuyện đã hiển nhiên và không có một chút phân vân nào cả, khi có bệnh em sẽ đến vị bác sĩ đó. Nhưng tại các thành phố, đô thị lớn, thường có nhiều bác sĩ, việc chọn lựa một bác sĩ đôi khi khiến em và gia đình em phân vân không ít. Tại các nước tiên tiến, mỗi gia đình gần như đều có một “bác sĩ riêng”. Vị bác sĩ này biết rõ mọi người, mọi bệnh tật của mỗi người trong gia đình. Ông có thể là cố vấn của gia đình về mọi trường hợp trong phạm vì sức khoẻ, đôi khi còn ở cả phạm vi khác. ở nước ta chưa có được như thế. Tuy nhiên, em và gia đình nên chọn một bác sĩ nào đó, gần nhà càng tốt, có thể tin cậy và thích hợp với gia đình em. Tuy không hẳn là có một “bác sĩ riêng” của gia đình, nhưng nếu cả nhà quen đi khám ở một bác sĩ, bác sĩ đó sẽ có hồ sơ y bạ cho mỗi người trong gia đình, như vậy sẽ dễ dàng cho việc điều trị và theo dõi bệnh. Sự thân mật, tin cậy nhờ đó cũng sẽ nảy sinh giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sự chọn lựa tùy ở mỗi gia đình, nhưng thường là do người khác giới thiệu “ông bác sĩ này hay”, “bà bác sĩ nọ mát tay”… Một khi đã chọn vị bác sĩ nào rồi thì nên đặt lòng tin nơi vị đó. ít ra cũng nên có địa chỉ của vài bác sĩ trong lúc chưa có bệnh tật hay tai nạn xảy ra. Đừng để lúc có bệnh nặng hoặc gặp tai nạn bất ngờ rồi mới chạy đến bất cứ bác sĩ nào.
Ngày nay học càng ngày càng tiến bộ, các ngành y khoa càng phát triển chi li, người bác sĩ không thể nào quán xuyến tất cả mọi ngành mà thường phải đi chuyên khoa về một ngành thôi. Tuy nhiên, cũng có những bác sĩ tổng quát, những bác sĩ này sẽ chưa các bệnh thông thường, tổng quát và sẽ là người hướng dẫn cho ta nếu cần đi khám chuyên khoa ở một bác sĩ nào khác. Điều này rất quan trọng, vì ta không thể biết bác sĩ nào chuyên khoa và thực sự có khả năng chuyên môn. Theo tôi, em sẽ đi bác sĩ chuyên khoa theo sự giới thiệu này mà thôi thì mới có ích cho em.
Tôi chỉ có thể khuyên em là nên có một bác sĩ quen biết, khi có bệnh tật gì thì đến ông ấy, cần cố vấn điều gì thì đến ông ấy và nếu cần đi khám chuyên khoa, ông ấy sẽ giới thiệu. Điều quan trọng là một khi em đã chọn một vị bác sĩ nào rồi thì nên hết lòng tin cậy ở ông ấy. Nội cái yếu tố tin cậy đó cũng đủ giúp em nhẹ được phân nửa bệnh rồi.
Con người là một sinh vật kỳ dị! Nhiều khi chỉ cần khen một câu mà đứa học dở trở thành giỏi, nhiều khi chỉ cần nghe “không sao đâu” của ông bác sĩ nói mà bệnh biến mất; nhiều khi chỉ cần ai đó khen lúc này anh (chị) trông khỏe hẳn ra và mập lên, thế là hắn khỏe ra và mập lên thực; hoặc có khi nói “sao anh (chị) ống, xanh thế?” vậy là nó ốm xanh, cảm thấy bệnh ngay! Nếu bảo em rửa chén, quét nhà em thấy nhức đầu, uể oải, bệnh sắp tới nơi, nhưng nghe bạn kêu đi thả diều, đánh cầu lông thì mọi bệnh tiêu tan hết! Chính vì cái yếu tố tâm lý quan trọng như thế mà người bệnh còn cần bác sĩ, còn đến bác sĩ. Một vấn đề nữa có lẽ cũng nên nói ở đây, đó là khám nam bác sĩ hay nữ bác sĩ? Y học hình như thích hợp với phái nữ hơn, vì nó đòi hỏi tính nhẫn nại, hy sinh, sự khéo léo trong việc săn sóc bệnh, cho nên hầu hết y tá và điều dưỡng là phái nữ. Cũng vì thế có nhiều trường hợp có những “mặc cảm” kỳ dị. Nhiều nữ bác sĩ trẻ than phiền bệnh nhân không tin cậy họ “có bác sĩ ở nhà không cô?” dù cô bác sĩ đang ngồi trước mặt! Nam bác sĩ hình như được lợi thế và có “uy” hơn.
Theo ý tôi, các em nữ sinh nhiều e thẹn và nhất là có những bệnh thuộc phái nữ thì nên đến thăm các nữ bác sĩ, vì dầu sao cũng tránh được ít nhiều bẽn lẽn như khi đi khám ở một nam bác sĩ.
Dĩ nhiên điều này không tuyệt đối, những nam bác sĩ đã được sự tin cậy của gia đình từ lâu cũng không làm cho em khó chịu. Trên thực tế ngay cả các nam bác sĩ trẻ tuổi cũng không có vấn đề nào để em phải ngại cả. Người thầy thuốc học 7 năm ở trường thuốc quá quen thuộc với bệnh tật, với người bệnh và đối với họ không có điều gì đáng quan tâm về phương diện nam nữ. Trước mặt họ chỉ có người bệnh mà thôi.
(Còn tiếp)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Chăm sóc ngực khi mang thai (01/11/2004)
▪ Ống thông giúp nghe tiếng tán sỏi thận (01/11/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 93) (01/11/2004)
▪ Bác sĩ bảo chết nhưng vẫn sống (01/11/2004)
▪ 16 bí quyết giảm cân (01/11/2004)
▪ Thuốc chữa ung thư vú của Novartis được sử dụng rộng rãi (01/11/2004)
▪ Những điều cần biết về sơ cứu tai nạn giao thông (01/11/2004)