Tại phòng khám
Nếu em đến khám bệnh ở một bác sĩ quen từ trước thì không có vấn đề gì phải đặt ra, bởi lẽ về phần em, nhờ sự quen biết trước đó mà không còn phải bỡ ngỡ, sợ hãi; em đã quen với khung cảnh, lề lối làm việc của “bác sĩ của em”, nên sẽ dễ dàng trả lời những câu hỏi của bác sĩ và “cộng tác” với ông ta trong việc định bệnh và chữa bệnh cho em. Tại phòng khám của ông cũng đã có hồ sơ bệnh lý của em, từ những lần khám trước. Nhờ hồ sơ đó, ông dễ dàng theo dõi bệnh em hơn và em chỉ phải nói chứng bệnh hiện tại.
Trong trường hợp em đến khám bệnh lần đầu nếu em còn nhỏ thì cha mẹ sẽ trình bày cho bác sĩ biết những triệu chứng bệnh của em và bác sĩ sẽ hỏi thêm những chi tiết cần thiết. Nhiều em trong lúc bỡ ngỡ, bối rối quên đầu quên đuôi, có khi ở nhà thì có “đủ thứ bệnh” mà đến lúc bác sĩ hỏi thì ấp úng quên hết trơn. ở nhà nói với má là đau bụng, nhức đầu, lúc bác sĩ hỏi thì cái gì cũng không có, lắc đầu lia lịa! Vì thế tôi đề nghị em nên ghi rõ ra giấy những chứng bệnh của em cần hỏi bác sĩ, cần “khai” với bác sĩ. Ghi ra giấy có cái lợi là không bị thiếu sót, lại cũng giúp nhiều cho bác sĩ thường rất ít thì giờ hỏi chi tiết.
Nhiều ông bác sĩ quá đông khách, bệnh nhân chưa kịp “khai” hết bệnh thì ông đã khám xong đừng nói gì đến chuyện hỏi han vài câu “tâm tình”. Đối với vị bác sĩ, trường hợp đó thường là bệnh nhẹ, không có gì đáng ngại, chỉ cần nhìn sơ qua cũng biết hay chỉ cần nghe nói vài triệu chứng là đã định bệnh xong. Nhưng đối với bệnh nhân thì họ không thế, họ vẫn nghĩ là bệnh họ “rất nặng” cần được chú ý đặc biệt, cần theo dõi đặc biệt, cần khám thực kỹ. Và phần đông bệnh nhân muốn khám kỹ, nghe giải thích kỹ. Nhiều người đi khám bác sĩ về còn thấy ấm ách vì chưa kịp nói, chưa kịp hỏi gì hết đã bị “đuổi” ra! Nếu là một bác sĩ quen, tin cậy, thì họ có thể chấp nhận, nhưng một bác sĩ lạ, họ không chịu dùng toa thuốc mà đi kiếm bác sĩ khác.
Theo ý tôi, để tránh những điều đáng tiếc đó, em nên ghi sẵn ra giấy những chi tiết sau đây:
- Tên, tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, lớp học.
- Con thứ mấy trong gia đình.
- Lúc sinh dễ hay khó, cân nặng bao nhiêu ký.
- Địa chỉ, nghề nghiệp cha mẹ (nếu có thể).
- Những cá tính đặc biệt (dễ giận, vui tính, hay đánh lộn, hay sợ sệt v.v…).
- Tiền căn (những bệnh có từ trước).
- Gia đình: cha mẹ, anh em có đau bệnh gì không? (suyễn, lao phổi, tim, ghiền, bệnh tâm thần).
- Kê khai những bệnh cũ như sốt rét, thương hàn, kiết lỵ, lao phổi...
- Bệnh hiện tại khởi đầu từ ngày nào, triệu chứng chính (sốt bao nhiều độ, ho như thế nào, tiêu chảy mấy lần...), triệu chứng phụ, đã điều trị với những thuốc gì?
Bác sĩ nhìn qua sẽ nắm vững vấn đề hơn, và sẽ hỏi em thêm những chi tiết cần thiết thôi, và phần em nhờ ghi như thế, em sẽ tránh được quên điều này, sót điều kia… Có lẽ tôi nên giải thích cho em chút xíu tại sao phải hỏi han “lôi thôi” thế. Thí dụ: biết em học lớp nào, cỡ tuổi nào sẽ cho bác sĩ một ý niệm về khả năng tinh thần của em; sức nặng chiều cao cho biết sự phát triển thể chất (nếu là gái nên ghi tuổi có kinh, đặc tính kinh: thời gian, màu sắc…); chẳng hạn con thứ mấy? tính nết đặc biệt v.v… giúp cho bác sĩ hiểu đại khái tương quan tình cảm của em với gia đình và tính nết riêng của em; địa chỉ cũng rất cần thiết: những vùng như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giuộc chẳng hạn… sốt rét rất nhiều! Vùng đất đỏ Long Khánh, Bình Long, Bà Rịa thì có loại lãi móc làm trẻ mất máu kinh niên.
Em thấy đó, điều nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và dĩ nhiên phần tiền căn (những bệnh có từ trước của gia đình, họ hàng hay chính em) còn quan trọng hơn. Cha mẹ lao thì con dễ bị lao (truyền nhiễm), cha mẹ suyễn thì con có thể suyễn, bệnh tâm thần cũng thế… Ghi chú những thứ thúôc đã dùng giúp bác sĩ lựa chọn những thứ thúôc thích hợp với bệnh hơn, tránh những thứ dùng rồi mà không có hiệu quả. Tuy nhiên cũng có bác sĩ không thích như thế. Tôi nhớ ngày còn học trung học đi khám bệnh tại một bác sĩ có tiếng tăm, tôi mang theo toa cũ (đi bác sĩ trước mà không khỏi) đưa cho ông xem, ông nạt: “Tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi các ông bác sĩ khác!”. Một người thân của tôi cũng gặp trường hợp tương tự và ông không trở lại vị bác sĩ đó nữa!
Riêng tôi, tôi thấy mang toa cũ hoặc ghi các thứ thuốc (kể cả ngoại khoa) đã dùng là rất cần thiết. Có nhiều trường hợp dùng thúôc bậy bị trúng thuốc chẳng hạn thì chẳng phải khai rõ mà còn nên mang theo cả chai thuốc, nhãn hiệu cho bác sĩ xem.
(còn tiếp)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Chăm sóc ngực khi mang thai (01/11/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 94) (02/11/2004)
▪ Cân nặng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (02/11/2004)
▪ 4 mẫu sữa kiểm nghiệm của Nutifood đều đạt tiêu chuẩn (02/11/2004)
▪ Xoa bóp bấm huyệt chữa đái dầm (02/11/2004)
▪ Bảo vệ vitamin C trong rau xanh (02/11/2004)
▪ Sản xuất tế bào võng mạc để chữa bệnh mắt (02/11/2004)