Rau hẹ - vị thuốc tiện dụng và rẻ tiền Dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta, cây hẹ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở các vùng Tiền Giang, Vĩnh Long... Ngoài giá trị về mặt dinh dưỡng, cây hẹ còn là một vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh. Với người dân ở các xã Tân Thuận Bình, Quơn Long, Bình Phục Nhất (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), cây hẹ trồng dưới chân ruộng đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã làm giàu nhanh chóng, trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhờ mô hình trồng cây rau này. Từ nhiều năm nay, nơi đây đã hình thành nên vùng chuyên canh hẹ lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với gần 200ha. Với những hộ dân ở khu vực này, không một không loại cây rau màu nào mang lại hiệu quả và cho thu nhập nhanh hơn là trồng hẹ. Cây hẹ lại trồng được quanh năm, chi phí thấp, chu kỳ thu hoạch ngắn, bình quân 1 tháng/vụ, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 12 - 15 tháng. Với giá khoảng 2000đồng/kg thì 1 ha trồng hẹ sau khi trừ chi phí người nông dân sẽ thu lãi từ 12-15 triệu đồng, lãi gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Xã Tường Lộc, huyện Tân Bình (Vĩnh Long) cũng là địa phương phát triển mạnh nhờ trồng hẹ xen canh trong vườn mới cải tạo. Bà con trồng hẹ ở đây cho biết trung bình mỗi công (1000m2) trồng xen canh vườn cam mới cải tạo đạt năng suất khoảng 800kg cho mỗi lần thu hoạch, lãi được khoảng 1,5 triệu/tháng. Với mục đích lấy ngắn nuôi dài, tận dụng đất trống những năm đầu của vườn trong giai đoạn kiến thiết, cây ăn trái còn nhỏ, bà con nông dân đã tận dụng công sức lao động, vừa chăm sóc cây ăn trái vừa chăm sóc rau màu, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Cây hẹ của nông dân ở xã Tường Lộc đã cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận và TP Hồ Chí Minh. Hẹ là loại cây có nguồn gốc hoang dại ở vùng Trung và Bắc Á, được người Trung Quốc đưa vào trồng khoảng 200 năm trước công nguyên. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm. Lá và củ hẹ có tính ấm, hạt hẹ có vị cay ngọt được dùng trong các bài thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần. Hẹ dùng để nấu canh rất ngon, ngọt. Nếu thường xuyên ăn canh hẹ sẽ giúp nam giới cường tinh lực, bồi bổ gan thận. Lá hẹ cũng rất tốt đối với phụ nữ có thai khi bị nhiễm lạnh, phụ nữ sau khi sinh bị chóng mặt. Phòng Đông Y thực nghiệm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã xác định nước ép lá hẹ có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn. Tính chất kháng khuẩn của hẹ khá bền vững, tuy nhiên sẽ mất tác dụng khi đun sôi. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân hẹ chữa ho, hen suyễn, tiêu hoá kém, giun kim, lỵ amip, trẻ hay bị ra mồ hôi trộm, hay khi bị viêm tai giữa, tai chảy mủ cũng có thể dùng lá hẹ. Theo Đông y, hẹ có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Sách "Bản thảo thập di" viết: Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên. Còn theo Tây y, hẹ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin (tốt cho người bị bệnh tiểu đường), làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa sơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tuỵ. Chất odorin trong loại rau này là một kháng sinh mạnh giúp chống tụ cầu và các vi khuẩn khác. Ở Việt Nam, hẹ là cây trồng từ rất lâu, tuy nhiên diện tích và mức độ sử dụng còn bị hạn chế trong phạm vi một số gia đình, chưa được trồng phổ biến, nhất là ở miền Bắc. Hy vọng trong tương lai không xa, cây hẹ sẽ trở thành một loại cây được nhân trồng rộng rãi trên khắp nước ta và ngày càng mang lại hiệu quả thu hoạch. Anh Thư |
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Cần chuẩn bị để đối phó với đại dịch cúm (04/12/2004)
▪ Thịt đỏ làm tăng nguy cơ bị viêm khớp (04/12/2004)
▪ Trẻ thừa cân: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật (05/12/2004)
▪ Viêm tai xương chũm (04/12/2004)
▪ Trẻ hay nôn trớ (04/12/2004)
▪ TP HCM: 16% học sinh cấp 2 có triệu chứng hen (04/12/2004)
▪ Áp xe vùng dưới hàm (04/12/2004)