Cần chuẩn bị để đối phó với đại dịch cúm
Các Website khác - 04/12/2004

Cần chuẩn bị để đối phó với đại dịch cúm

TT - Tại hội nghị quốc tế về dịch cúm gà, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về khả năng xuất hiện một đại dịch cúm trên toàn thế giới trong thời gian tới ước tính khiến 2-7 triệu người chết. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của WHO tại VN Hans Troedsson (ảnh) cho biết:

- Đó là một dự đoán thận trọng. Tiên đoán này dựa trên việc tính toán tỉ lệ người nhiễm bệnh và người chết trong các dịch cúm trước. Dự đoán chính xác thì vào khoảng 2-7 triệu người, tuy nhiên con số này lại có thể nhiều hơn gấp nhiều lần, thậm chí là 10 lần nếu như virus lần này biến thể sang một dạng hoàn toàn lạ mà chúng ta chưa từng biết.

Ông Hans Troedsson, đại diện của WHO tại VN
* Trong khi đó, văcxin phòng ngừa H5N1 vẫn đang trong vòng thử nghiệm?

- Hiện đang có hai, ba công ty đang triển khai nghiên cứu văcxin chống virus H5N1. Tuy nhiên, nếu như mọi việc tiến triển tốt thì ít nhất là đầu năm sau mới có thể đưa vào sử dụng thử nghiệm văcxin này và cần thêm thời gian để kiểm chứng về hiệu quả. Nhưng điều đáng lo ngại là chúng ta không rõ văcxin này có hiệu quả cho người hay không bởi virus này có thể sẽ biến thể khi lây sang người. Chúng ta lại phải sản xuất loại văcxin mới để chống lại virus dạng mới này. Thời gian thông thường để phát triển một loại văcxin mới là sáu tháng.

* Tâm điểm của đại dịch mới này sẽ ở đâu, thưa ông?

- Theo lịch sử của các trận dịch, rất có thể Trung Quốc và ba nước VN, Lào, Campuchia sẽ là nơi xuất phát dịch. Tuy nhiên, một khi bùng phát dịch sẽ nhanh chóng lan rộng đến tất cả các nước. Bởi như tôi đã nói, virus cúm gia cầm khi lây sang người được biến thể ở một dạng mới có tốc độ lây lan khủng khiếp.

* Vậy WHO khuyến cáo những biện pháp phòng ngừa nào cho các quốc gia?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm:

“Về nguy cơ mà WHO đã khuyến cáo, nếu VN cập nhật được tình hình dịch cúm gia cầm, phát hiện và bao vây dập dịch ngay từ những ổ dịch, những người bệnh đầu tiên thì tôi cho rằng có thể phòng chống dịch hiệu quả. Điểm yếu ở VN là chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác trong các hộ gia đình và cập nhật thông tin yếu, cần phải cải thiện hai vấn đề này. Tôi nhắc lại là nếu chúng ta làm được như các tổ chức quốc tế đã khuyến cáo là minh bạch trong thông tin, khẩn trương trong phòng chống dịch thì hiệu quả sẽ rất tốt”.

- Có nhiều biện pháp được áp dụng ở hai thời kỳ, trước và trong khi dịch bùng phát. Trước khi dịch bùng phát, mỗi nước đều phải xây dựng một kế hoạch quốc gia xác định số lượng văcxin, số lượng thuốc cần huy động khi có dịch, xác định các biện pháp cần áp dụng ngay khi dịch có dấu hiệu bùng phát... Đến nay, trong số hơn 190 quốc gia trên toàn thế giới có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch, mới chỉ có 30 nước xây dựng kế hoạch quốc gia này. VN nằm trong số những nước chưa có kế hoạch đối phó với dịch. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để xem xét những giúp đỡ cụ thể mà WHO có thể dành cho VN trong việc xây dựng kế hoạch này.

Thứ hai, chúng ta phải chặn đứng và kềm giữ sự lây lan virus từ các sản phẩm gia cầm. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ ví dụ như phải thay đổi hệ thống cung cấp các sản phẩm thịt gia cầm, không cho phép virus phát triển và lây lan rộng thêm. Hiện giờ gia cầm ở nhiều vùng tại VN hoặc Thái Lan đang bị nhiễm virus và người ta cho rằng việc kềm giữ sự lây lan của virus là rất khó. Nhưng điều này là hoàn toàn có thể. Ví dụ Hong Kong đã áp dụng những biện pháp kiểm soát gia cầm rất tốt và mang lại nhiều kết quả. Bên cạnh đó, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để biết rõ loại virus này lây nhiễm theo cơ chế nào, từ đó có thể giảm thiểu các rủi ro. Ví dụ cần khẳng định rõ là virus lây từ gia cầm sống hay chín và chúng ta có thể khuyến cáo tất cả mọi người phải nấu chín thịt gia cầm ít nhất từ 70 độ C trở lên.

Một điều quan trọng nữa là khi dịch bùng phát phải áp dụng ngay các biện pháp như hạn chế du lịch, tạo sự phối hợp tốt và phản ứng nhanh giữa các lực lượng chính yếu như cảnh sát, cứu hỏa, y tế cộng đồng...

* Thưa ông, hội nghị ở Thái Lan có đề cập tới tầm quan trọng phải chia sẻ thông tin? Có một cơ chế nào để các nước tham gia tích cực vào việc cung cấp thông tin về dịch thay vì e ngại tiết lộ?

Theo qui luật thì cứ 20-30 năm thế giới lại hứng chịu một đại dịch cúm rất nặng nề. Đại dịch cúm gần nhất xảy ra cách đây hơn 35 năm vào năm 1968 mà người ta quen gọi là dịch cúm Hong Kong.

Đã có những chỉ dẫn cho thấy đại dịch cúm mới này có thể sẽ hoành hành dữ dội hơn vì virus cúm gia cầm lần này (H5N1) có khả năng lây sang rất nhiều loại động vật khác như hổ, mèo, lợn. Và virus này có thể sẽ biến thể thành một virus dạng mới có tác động khủng khiếp hơn khi lây nhiễm sang người, do vậy khả năng lây nhiễm giữa người và người là rất cao.

- Một kết quả rất tốt tại hội nghị ở Bangkok là các bộ trưởng y tế, bao gồm cả đại biểu Thái Lan và VN, đều rất cởi mở và đồng ý cần mở rộng công khai, minh bạch thông tin cũng như tăng cường hợp tác thay vì đổ lỗi lẫn nhau là giấu giếm thông tin. Tôi đã có cuộc trao đổi bên lề với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm để thảo luận về việc thành lập một nhóm công tác giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn. Nhóm này sẽ làm việc với một nhóm tương tự của Thái Lan để tìm ra giải pháp chung và những hỗ trợ cần thiết từ cả hai phía để đối phó với dịch.

* Ông nhìn nhận thế nào về năng lực của hệ thống y tế tại VN?

- Tôi vừa phát biểu ở hội nghị các nhà tài trợ rằng VN cần đầu tư nhiều hơn cho y tế, vì ba lý do.

Thứ nhất, VN đang tăng trưởng cao và thu hút rất nhiều đầu tư. Chúng ta đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng hay cho các lĩnh vực khác như thế nào thì cũng cần đầu tư nhiều cho y tế và giáo dục như thế. Bởi vì trong lịch sử chưa có một nước nào có thể tăng trưởng bền vững mà lại không đầu tư đúng mức cho y tế và giáo dục.

Thứ hai, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển đổi lớn trong bức tranh toàn cảnh về tình hình bệnh tật tại VN. Trong quá khứ, những bệnh truyền nhiễm là những bệnh phổ biến ở đây và đến nay vẫn là một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, đã và đang xuất hiện rất nhiều vấn đề mới như tỉ lệ ngày càng cao những người bị huyết áp cao, lao phổi, chấn thương do tai nạn... gia tăng nhu cầu về cung cấp các dịch vụ y tế.

Thứ ba, các dịch bệnh, điều chúng ta đang thảo luận đặt ra thách thức cực kỳ lớn cho năng lực của hệ thống y tế VN. Rất mừng là tại hội nghị, Chính phủ và nhiều nhà tài trợ đều nhất trí sẽ tăng ngân sách cho đầu tư vào y tế. Vấn đề giờ đây là phải triển khai thật hiệu quả các khoản đầu tư này.

CẨM HÀ thực hiện