"Cháu 27 tuổi, khi 11 tuổi bị chảy mủ tai (lúc đầu lổn nhổn như bã đậu, về sau trong) kèm theo đau nhức trong tai; sau đó chỉ chảy mủ chứ không đau. Sáu năm nay đã hết chảy mủ nhưng hơi nghe kém. Bác sĩ nói đó là viêm tai xương chũm trái, thủng màng nhĩ trái, cần mổ nhưng cháu thấy bình thường nên không mổ. Nếu cứ để thế thì có ảnh hưởng gì không?".
Trả lời:
Chảy mủ tai từng đợt kèm với đau nhức trong tai nhiều năm thì rõ ràng bạn có triệu chứng của viêm tai giữa mạn mủ. Nếu mủ trong tai chảy ra lại lổn nhổn như bã đậu (thường có mùi khắm) thì có nhiều khả năng tổn thương viêm tai đã ăn sâu xuống phần xương, vì chất bã đậu là sản phẩm bất thường của sự lắng đọng chất sừng tróc ra từ biểu mô trong tai giữa, có đặc tính ăn mòn xương rất mạnh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, áp xe đại - tiểu não, viêm tĩnh mạch bên gây nhiễm trùng huyết... Do dó, bác sĩ ở bệnh viện tỉnh sau khi khám, chụp X-quang đã chẩn đoán “viêm tai xương chũm” và chỉ định cần mổ là có cơ sở.
Qua thư bạn kể thì rất có thể hiện nay bệnh tai của bạn đang ở vào giai đoạn ổn định tương đối kéo dài. Tuy nhiên, do màng nhĩ bị thủng rộng nên nguy cơ tái nhiễm viêm tai do bị nước bẩn lọt vào khi tắm gội vẫn còn rất lớn; khi đó không loại trừ được xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay ở một số cơ sở lớn của chuyên khoa tai mũi họng đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới tiên tiến trong điều trị viêm tai như: nội soi để đánh giá chính xác tổn thương và vi phẫu (mổ dưới kính phóng đại) để giải quyết triệt để các tổn thương này. Mặt khác, phẫu thuật ngày nay còn giúp tạo hình lại tai giữa. Trong trường hợp của bạn, có thể tái tạo màng nhĩ bên trái đã bị thủng hoàn toàn. Điều này sẽ giúp bạn dự phòng tái nhiễm viêm tai, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời chắc chắn còn giúp cho sức nghe của bạn được cải thiện hơn.
(Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ Cần chuẩn bị để đối phó với đại dịch cúm (04/12/2004)
▪ TP HCM: 16% học sinh cấp 2 có triệu chứng hen (04/12/2004)
▪ Áp xe vùng dưới hàm (04/12/2004)
▪ Khỏe với yoga (04/12/2004)
▪ Trẻ bị bạch hầu dễ tử vong (04/12/2004)
▪ Bệnh tim không từ một ai (04/12/2004)
▪ 400 câu hỏi nữ giới cần biết (phần 113) (03/12/2004)