Cứ mỗi lần sắp chuẩn bị về quê thăm gia đình hoặc ăn tết là không ít người phải mua vài viên thuốc hoặc cao dán chống say tàu xe. Thế nhưng việc dùng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ: lơ mơ, khô miệng, mờ mắt....
Say tàu xe - đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
"Chỉ những người đồng bệnh mới biết say tàu xe khó chịu đến mức độ nào. Chỉ cần thoáng thấy mùi khói xe là nhức đầu đến từng cơn, cơ thể như không còn sức lực, tệ nhất là kèm theo ói mửa", chị Nguyễn Ngọc Thư ở quận Tân Bình than thở về chứng khó trị này.
Vì sao bị say xe? Theo bác sĩ Lê Thiện Anh Tuấn, Hội y dược học TP Hồ Chí Minh, bệnh này phụ thuộc nhiều điều: rối loạn tiền đình, cơ thể yếu, mệt, suy nhược cơ thể. Để đối phó, những người bị say tàu xe thường tranh thủ uống thuốc trước khi khởi hành. Số lượng "bệnh nhân" nhiều đến nỗi cứ mỗi lần bắt đầu tour du lịch, hướng dẫn viên đều thông báo trên xe có thuốc chống say xe và phát bao nylon cho người có nhu cầu để tránh sự việc đáng tiếc. Để tránh say xe, đa số người cần đi xe thường nhờ đến thuốc. Tuy nhiên việc dùng thuốc rất phiền vì phải uống trước khi lên xe 30 phút và sau đó cứ 4 - 6 tiếng "nhồi" thêm một viên để duy trì hiệu quả. Bên cạnh đó cũng có nhiều người không muốn uống thuốc vì theo họ đây là sự lệ thuộc nếu uống thường xuyên mà chỉ cần một lần không uống là nó "vật" ngay.
Cương quyết không dùng thuốc
Theo chị Xuân Toàn vì bị say xe nên mỗi lần phải đi đây đi đó chị thường mua cả băng ghế để tránh làm phiền người ngồi cạnh và vì thế chị cũng rất hạn chế đi lại. Khi đi học ở Nhật Bản một năm, do tình thế bắt buộc chị đành dùng thuốc chống say tàu xe. Do đi nhiều, phải uống thuốc nhiều nên người chị cứ lơ mơ vì say thuốc rất khó làm việc và học tập. Cuối cùng chị quyết định không dùng thuốc bằng cách giảm từ từ và bỏ luôn. Ngay trong thời gian đó, chị vô tình phát hiện ngồi trên tàu xe mà ngửi vỏ quít sẽ cảm thấy dễ chịu. Thế là từ đó thay vì dùng thuốc, chị cầm theo trái quít, xé vỏ ra ngửi từ từ và cầm cự được đến khi xuống xe. Đến bây giờ thì chị không còn bị say tàu xe nữa.
Còn chị Mai Anh lại có kinh nghiệm khác: "Tôi bị say xe ngay khi còn bé, cứ leo lên xe hơi là mặt mày xây xẩm, ruột gan vặn từng cơn. Sau đó có người hướng dẫn bảo nên ngồi gần cửa sổ, ngồi băng trên để đỡ dằn xộc và luôn trò chuyện với bạn bè, người thân cùng đi để quên "nó" đi". Cuộc chiến "chống bệnh tật", kéo dài ba năm thì chị hết bệnh. Bây giờ thì chị đang tập cho cô con gái quen dần với chuyện đi tàu xe mà không bị say.
Vậy đâu là phương thức chung để tránh say xe mà không dùng thuốc? Bác sĩ Lê Thiện Anh Tuấn tư vấn: "Để tránh say tàu xe, bạn nên tập luyện cho cơ thể quen chịu đựng, chẳng hạn như đi xe nhiều hơn, mới đầu là những đoạn ngắn sau đó ngày một dài hơn. Kế đến là rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực bằng cách chơi thể dục, thể thao. Trong khi đi xe nên nghe nhạc, trò chuyện hoặc ngủ để rút ngắn đoạn đường và tránh được cảm giác khó chịu trên xe". Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Anh Tuấn, nên lưu ý việc ăn uống, không nên ăn quá no hoặc nhịn đói; tránh tối đa việc ngồi nhìn quang cảnh chuyển động vì cả ba trường hợp này đều kích thích làm say xe. Tốt nhất vẫn là ăn uống vừa đủ no.
Trong đông y có nhiều cách phòng chống bị say xe mà không cần dùng thuốc. Lương y Đinh Công Bảy, tổng thư ký Hội dược liệu TP Hồ Chí Minh hướng dẫn: "Uống nước cốt gừng hoặc ngậm gừng trong lúc đi tàu, xe có thể tránh được những cơn khó chịu. Ngoài ra còn có cách bấm huyệt nội quang (mặt trong tay từ ngấn cổ tay ngược lên khoảng 4 -5 cm tùy người cao hay thấp, vị trí nằm giữa hai đường gân), huyệt hợp cộc (giữa ngón cái và ngón trỏ), và day hai huyệt thái dương (sau đuôi mắt). Bạn nên day huyệt ngay khi có cảm giác muốn say".
|