Thêm 2 trường hợp nhiễm H5N1
Các Website khác - 13/01/2005
Tiêu hủy gia cầm bệnh.
Ảnh: Thanh Niên.

Hôm qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP HCM khẳng định có thêm 2 ca nhiễm H5N1 mới. Như vậy, trong mùa dịch này Việt Nam đã có 6 người nhiễm virus cúm gia cầm; 5 người trong số đó đã tử vong.

Ca H5N1 thứ 5 được phát hiện là M.H., 35 tuổi, sống ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long, Trà Vinh, vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngày 11/1. Trước khi bị viêm phổi, bệnh nhân có ăn thịt gà ốm. Còn bệnh nhân thứ 6 là người Cần Thơ, được chuyển lên TP HCM hôm qua. Người này được bệnh viện địa phương chẩn đoán là mắc lao nhưng xét nghiệm PCR ở Viện Pasteur ngày 12/1 đã cho kết quả dương tính với H5N1. Cả hai bệnh nhân trên đều đã tử vong.

Tại hội thảo về phòng chống cúm gia cầm do Bộ Y tế tổ chức sáng nay ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, trong 6 bệnh nhân nhiễm H5N1 mùa dịch này hiện chỉ có 1 người còn sống và trong tình trạng nguy kịch. Đó là bệnh nhân B.T. người Cai Lậy, Tiền Giang, đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.

Cũng tại hội thảo trên, ông Hans Troedsson, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam, đã cảnh báo về một đại dịch cúm gia cầm chắc chắn sẽ xảy ra trên thế giới mà Việt Nam là một trong những nước cần đề cao cảnh giác nhất. Hiện vẫn chưa có bằng chứng về việc virus H5N1 có thể lây trực tiếp từ người sang người nhưng nguy cơ này cũng chưa được loại trừ. Nếu điều đó xảy ra thì hậu quả thật khủng khiếp: khoảng 2-7 triệu người chết và hàng chục triệu người phải chăm sóc y tế.

Theo ông Troedsson, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả các tình huống xấu nhất. Trong trường hợp đại dịch xảy ra, các hoạt động công cộng sẽ bị đình trệ (trường học, cửa khẩu... bị đóng cửa) và nhiều rối loạn khác sẽ xảy ra. Việt Nam phải tính đến những trường hợp này để lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Nếu đến lúc ấy mới tính thì quá muộn.

Ông Trịnh Quân Huấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi dịch cúm xảy ra. Hệ thống xét nghiệm còn yếu, các cơ sở vận chuyển, tiếp nhận, cách ly điều trị bệnh nhân còn thiếu, không đủ đáp ứng nhu cầu nếu xảy ra đại dịch nguy hiểm như cúm A type H5N1. Phần lớn cộng đồng chưa có miễn dịch với virus này vì đây là một chủng cúm xa lạ với hệ miễn dịch, trước đây chỉ gây bệnh cho gia cầm. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát dịch rất khó khăn vì người dân Việt Nam có tập quán nuôi gia cầm quy mô nhỏ trong hộ gia đình, việc giết mổ cũng không tập trung theo quy trình công nghiệp.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Giám đốc Viện Pasteur TP HCM, lại nêu một khó khăn trong việc nghiên cứu xác định cơ chế lây truyền cúm H5N1. Thực tế cho thấy trong những đối tượng được coi là có nguy cơ nhiễm cao nhất do tiếp xúc thường xuyên với nguồn bệnh như cán bộ thú y, người chăn nuôi, giết mổ gia cầm..., chưa có ai mắc H5N1. Trong khi đó, những người nhiễm bệnh lại chỉ tiếp xúc với gia cầm ốm trong thời gian ngắn (làm thịt, ăn, chơi đá gà). Thậm chí bệnh nhân T.P. ở Đồng Tháp (đã tử vong) còn không hề tiếp xúc trực tiếp với gà bệnh, chỉ tắm trên dòng kênh mà những người dân địa phương đã vứt xác gà chết. Do yếu tố tiếp xúc với gia cầm ở những người mắc bệnh mơ hồ như vậy nên việc nghiên cứu đường lây truyền H5N1 không hề dễ dàng. Và chừng nào chưa rõ về cơ chế lây thì khả năng dịch lan rộng càng cao.

Bà Tiến cũng chỉ ra những bất cập trong phòng chống dịch, mà nếu không sớm khắc phục thì hậu quả sẽ khó lường. Thứ nhất, nhà nước đã có chính sách đền bù khi tiêu hủy gà bệnh nhưng giá đền bù quá thấp (mỗi con chỉ được 2.000-5.000 đồng), thậm chí nhiều địa phương lập danh sách đền bù rất lâu mà vẫn không thanh toán tiền. Trong khi đó, đàn gia cầm là phần tài sản quan trọng của người dân. Vì tiếc của, họ đã bất hợp tác trong phòng chống dịch. Khi có gà chết hoặc bệnh, họ giấu biệt, tranh thủ thịt ăn hoặc bán vội những con còn sống. Theo bà Tiến, phải tăng số tiền đền bù. Mặt khác, việc xử phạt những người vi phạm (cố ý giấu giếm, giết mổ hoặc bán gà bệnh...) cũng phải thật quyết liệt. Chẳng hạn, nếu đem nộp 1 con gà được đền 10.000 đồng thì khi phát hiện giấu 1 con cũng bắt nộp 10.000 đồng.

Bất cập thứ hai, theo bà Tiến, là về phương thức truyền thông. "Ở miền Tây Nam Bộ, nơi đã xuất hiện các ca bệnh H5N1 và là vùng có nhiều người Khơme sinh sống, chúng tôi nghe bà con thắc mắc là tại sao họ vẫn ăn gà ốm thường xuyên mà chẳng sao hết, những người bị nhiễm bệnh và chết có lẽ do xấu số. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết địa phương có tổ chức phát tờ rơi về cúm, nhưng toàn bằng tiếng Việt nên dân tộc ít người không đọc được". Theo bà Tiến, để kiến thức dịch bệnh đến được với bà con, phải tăng cường truyền thông trực tiếp qua hệ thống phát thanh thôn xóm, người dân nói thứ tiếng nào thì phải truyền thông bằng thứ tiếng ấy. Ở các vùng dân tộc, có thể nhờ những người có uy tín với dân như già làng, trưởng bản thuyết phục, giảng giải. Với người Khơme, nên nhờ các nhà sư tuyên truyền vì họ biết tiếng Khơme và được dân tin.

Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết sẽ tăng cường phương thức truyền thông trực tiếp về bệnh cúm gia cầm. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường giám sát dịch ở tất cả các tỉnh để tránh việc lây cúm từ gia cầm sang người và phát hiện, cách ly kịp thời những người mắc bệnh. Tại các ổ dịch nóng, cơ quan y tế sẽ kết hợp với thú y để giám sát, khử khuẩn triệt để 2 lần/ngày, liên tục trong vòng 1 tháng.

Bộ Y tế cũng đã thành lập hệ thống điều trị cho dịch cúm mà trung tâm đặt tại Hà Nội (Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Trung tâm Y tế Gia Lâm) Huế (Bệnh viện Trung ương Huế) và TP HCM (các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2). Xung quanh những trung tâm này là khoa lây của các bệnh viện đa khoa tỉnh. Tất cả đều đang chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận bệnh nhân khi đại dịch xảy đến.

Thanh Nhàn