Thuốc cho bệnh tuyến tiền liệt
Các Website khác - 14/01/2005
Cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Nam giới có thể mắc nhiều bệnh về tuyến tiền liệt như viêm do vi khuẩn , đau và viêm mạn tính do vi khuẩn, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (u xơ, u lành tính) và ung thư . Người bệnh khi sử dụng thuốc điều trị cần lưu ý một số điểm sau.
Tuyến tiền liệt (TTL) hình thành từ tuần lễ thứ 12 ở thai nhi nam, đến tuổi dậy thì tiếp tục phát triển. Từ tuổi 45 trở lên thì ngừng tăng trưởng và có chiều hướng tăng sản bệnh lý thành u xơ. Ngược lại, có trường hợp teo nhỏ lại.

Viêm TTL: thường xảy ra, có tới gần 50% nam giới ít nhất một lần bị viêm trong đời. Triệu chứng thường thấy: đái buốt, đái rắt, đái đêm, đau vùng đáy chậu và không nhịn đái được. Thăm khám, người ta lấy dịch tiết nhanh của TTL, tìm tế bào viêm và cấy hoặc tìm vi khuẩn trong nước tiểu giữa dòng, từ đó xác định 1 trong 4 loại viêm.

Thuốc: Viêm không do vi khuẩn nhưng thường có tạp khuẩn không có khả năng gây bệnh, các thầy thuốc thường dùng theo kinh nghiệm là uống tetracyclin 10 ngày liền kết hợp với thuốc chống viêm không steroid. Có người dùng doxycyclin. Hằng ngày ngâm mông vào nước ấm nóng.

Đau TTL cũng hay gặp (không có tế bào viêm và vi khuẩn), có thể chỉ do cơ, rối loạn thần kinh cơ cổ bàng quang hoặc do cảm xúc. Thường là đau do tăng áp lực cổ bàng quang. Người ta thường dùng thuốc chẹn alpha giao cảm. Ngâm mông nước nóng cũng tốt.

Do vi khuẩn, thường có liên hệ đến viêm đường tiết niệu, rất dễ chẩn đoán nhầm, bao gồm các triệu chứng: sốt cao, rét, đái buốt, đái rắt, đái yếu, đau vùng đáy chậu không nhịn đái được. Nếu phù nề có thể gây bí đái. Xét nghiệm (cấy) nước tiểu có vi khuẩn gram âm ái khí.

Thuốc: Co.Trimoxazol ít dùng. Các loại quinolon như ciprofloxacin, norfloxacin, lomefloxacin được ưa dùng nhưng phải dùng ít nhất là 28 ngày đề phòng tái phát. Nếu bị viêm cấp, nặng cần phải điều trị tại bệnh viện và dùng kháng sinh liều mạnh đường tĩnh mạch, dùng ít nhất 2 tuần.

Tăng sản lành tính TTL: Khối lượng trung bình TTL là 20gam, nếu tăng sản lành tính TTL có thể tới 100gam. Đàn ông từ 45 tuổi trở lên, có tới 80% người mắc; từ tuổi 60 trở lên có 50% người mắc, từ tuổi 80 trở lên có 90% người mắc. Có khoảng 10% phải phẫu thuật.

Triệu chứng: chia 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Đái khó, yếu, chậm, nhỏ, ngắt quãng, kéo dài. Đái vội nhất là gần sáng.

- Giai đoạn 2: Đọng nước đái ở bàng quang, khoảng 100ml gây đái khó, nhiều lần, đái nhưng không hết do ứ đọng đưa đến đái đục, đái buốt do nhiễm khuẩn.

- Giai đoạn 3: Tổn thương thực thể rõ ràng, ảnh hưởng chức năng thận. Đái rất khó, nhiều lần, đái rỉ liên tục. Có thể sốt, buồn nôn, mệt mỏi, tăng huyết áp, thiếu máu, buồn ngủ, suy thận, bí đái. Tuy nhiên không phải người nào, lúc nào cũng phải qua 3 giai đoạn, nếu bí đái ở giai đoạn 1 cũng phải cấp cứu.

Hiện nay, các nhà điều trị học phân loại theo thang điểm ba mức: nhẹ, trung bình, nặng, dựa trên bảy triệu chứng chính (đái có hết không, mấy giờ đái 1 lần, đái tắc, nhịn đái, đái yếu, rặn đái và đái đêm) thang điểm từ 1 đến 5, nếu 7 điểm là nhẹ, 8-18 điểm là trung bình và 19-35 điểm là nặng. Tất nhiên, muốn đánh giá đúng cần chú ý loại trừ các nguyên nhân khác như tắc nghẽn, chít hẹp do các bệnh khác như đái tháo đường, Parkinson, đột quỵ, các bệnh niệu trước đó, các thuốc đã dùng (kháng cholin, giống giao cảm) v.v...

Khám TTL để đánh giá kích thước, độ to, chắc của TTL. Nếu cứng, lổn nhổn từng cục to không đối xứng thì có khả năng ung thư. Cùng với thăm khám là các xét nghiệm và siêu âm.

Thuốc: Từ thang điểm, mức độ trên, có tới 25% người cần điều trị TTL để làm giảm triệu chứng của tăng sản lành tính. 7 điểm không cần điều trị, từ 8-28 điểm cần điều trị tích cực, trên mức đó là quá nặng và không đáp ứng điều trị thì phải phẫu thuật.

Testosteron, androgen nội sinh, với hoạt hóa của men 5 reductase chuyển thành dihydro testosteron, nếu ức chế men trên, testosteron không có hoạt tính. Người ta dùng finasterid với các biệt dược quen thuộc proscar, propecia, finast với liều 5mg/lần/ngày. Thuốc dùng 3-6 tháng, có tác dụng với khoảng 50% người bệnh và giảm được 50% theo mức thang điểm, kết quả duy trì được khoảng 3 năm. Thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, đặc biệt làm giảm ham muốn tình dục đến liệt dương (5%).

Thuốc chẹn alpha như terazosin, prazosin, doxazosin tác dụng nhanh hơn finasterid. Dùng trong 4-6 tuần đã có hiệu quả. Có người nói thuốc không ảnh hưởng đến hoạt động tình dục, nhưng nhiều tài liệu có ghi nhận thuốc gây bất lực nam giới, dương vật cương đau, hạ huyết áp (nên uống khi đi ngủ), yếu mệt, choáng váng v.v...

Để có hiệu quả hơn, người ta thường kết hợp hai thuốc trên, tuy nhiên giá thuốc và tác dụng phụ cần được tính đến.

Trong tăng sản lành tính TTL thì có 10% người bệnh phải phẫu thuật là không tránh khỏi, nhất là những người bệnh nặng có nhiều biến chứng. Các nước tiên tiến thường dùng phương pháp nội soi (90%), các nước khác, đa số là phương pháp mổ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý biến chứng sau phẫu thuật như chảy máu, nhiễm khuẩn, đái rỉ, đái khó, hẹp niệu đạo hoặc rò nước tiểu.

Ung thư TTL: Hay gặp, chỉ đứng sau ung thư phổi, tử vong cao. Trong những người ung thư TTL, có tới 40% người ung thư không có triệu chứng và không ảnh hưởng sức khỏe. Bệnh có tiền sử gia đình.

Điều trị ung thư TTL rất khó khăn. Đến nay cũng chưa ngã ngũ về việc kiểm tra sàng lọc những người từ 45 tuổi trở lên, thậm chí người ta còn phản đối sự sàng lọc ấy vì có phát hiện thì phẫu thuật, kéo dài cuộc sống được bao lâu? Đã phẫu thuật phải thật triệt để nếu đã xác định rõ về mô bệnh học và mức độ lan rộng. Điều trị bằng các hormon thì chỉ là cầm cự với các thuốc như cyproteron, flutamid, megestrol, nafarelin. Điều trị tia xạ cũng được áp dụng làm giảm triệu chứng nhưng nhiều tác dụng phụ và cũng không ai có thể biết có hiệu quả cho thời gian sống, nhất là trường hợp đã có di căn.

Điều trị ung thư TTL vẫn là một vấn đề nan giải

Phòng bệnh: Bệnh về TTL đặc biệt là tăng sản lành tính và ung thư TTL có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, ta cũng có thể tránh được sự tăng sản ồ ạt của bệnh như việc tránh hoặc hạn chế dùng một số thuốc: thuốc chống tiết cholin, thuốc giống thần kinh giao cảm, các thuốc kháng histamin làm dịu, các thuốc opiat... Không uống rượu, ăn ít chất béo và không hút thuốc lá.

Dược sĩ Phạm Thiệp
Theo Theo Sức khỏe đời sống