WHO cảnh báo dịch cúm gia cầm mới
Các Website khác - 15/12/2004
Một trang trại gà tại Hang Dong, Chiang Mai hồi phục hoạt động sau đợt bùng phát cúm gia cầm tại Thái Lan vừa qua
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa gióng lên hồi chuông báo động trên toàn thế giới khi cảnh báo khả năng xuất hiện dịch cúm mới - có thể xuất phát từ sự đột biến của vi-rút cúm gia cầm và làm chết khoảng 50 triệu người - chỉ còn là vấn đề thời gian.

WHO đang lo ngại khả năng vi-rút cúm gia cầm có thể kết hợp với một loại vi-rút cúm ở người và sản sinh ra một dòng vi-rút mới khiến thế giới phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch cúm ở người. Mặc dù chưa thể dự đoán khi nào đợt bùng phát này xảy ra, theo WHO tình trạng cúm gia cầm hoành hành ở châu Á chính là dấu hiệu cho thấy "thế giới đang tiến gần đến dịch bệnh kế tiếp" và rất nhiều nơi chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nguy cơ trên.

Châu Á đã trải qua một năm đầy khó khăn khi hầu hết các quốc gia vừa mới đối phó xong với SARS lại phải chống chọi với cúm gia cầm. Đã có 32 người thiệt mạng chỉ trong năm nay vì dịch bệnh này. Các chuyên gia cho biết cúm gia cầm đã "đóng đô" tại châu Á lâu hơn chứ không chỉ đơn giản xuất hiện và biến mất nhanh chóng sau đó, và đã lây nhiễm qua các loài động vật có vú như heo, mèo và cả cọp. Thực tế cho thấy, mới đây tại Thái Lan, tờ Bangkok Post hôm 14/12 đưa tin vi-rút H5N1 đã được tìm thấy trong 6 loài chim bản xứ tại 5 tỉnh miền Bắc và miền Trung nước này. Chính quyền Hồng Kông cũng vừa mới công bố kết quả xét nghiệm dương tính từ một con diệc xám chết với các dấu hiệu đặc trưng của cúm gia cầm hôm 13/12. Tình hình càng nghiêm trọng hơn tại Indonesia, khi dịch cúm gia cầm đang hoành hành tại một số vùng thuộc Tây Nusa Tenggara và giết chết hàng ngàn gia cầm tại thủ phủ Mataram.

Các chuyên gia cho biết các chính phủ tại châu Á phải đẩy mạnh việc giám sát và tăng cường các phương tiện phòng ngừa như là một phương pháp hữu hiệu nhất đối phó cúm gia cầm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tin rằng năm 2005 có thể là năm các quốc gia nên chú trọng đến việc sử dụng vắc-xin chống cúm gia cầm để ngăn chặn dịch bệnh. Đây vẫn là điều gây tranh cãi trong giới chuyên môn khi cho rằng nếu sử dụng vắc-xin không đúng thời điểm sẽ có thể không đem lại hiệu quả mong muốn và tệ hơn là khiến vi-rút biến đổi thành một dòng mới nguy hiểm hơn.

Thụy Miên