Nền kinh tế Argentina có vẻ như đang phát triển mạnh mẽ. Nạn thất nghiệp giảm, xuất khẩu tăng và nền kinh tế đang tăng trưởng qua từng tháng. Nhưng tình trạng nghèo đói vẫn chưa giảm đáng kể.
Vào giờ ăn trưa tại trung tâm thủ đô Buenos Aires có hàng nghìn người lao động đổ ra đường, đi vào các hàng ăn và các quán cà phê sang trọng. Nhưng đây không phải là bức tranh đầy đủ về thực trạng đất nước.
Họ ăn mặc đẹp, tự tin - một số người thậm chí có thể nói là kiêu kỳ - thật khó để tin rằng chỉ mấy năm trước, Argentina còn phải đi khắp nơi xin hoãn nợ.
Tháng 12-2001, Tổng thống Fernando de la Rua phải chạy trốn khỏi dinh thự tổng thống bằng máy bay trực thăng, những người giàu chuyển tiền mặt ra nước ngoài, các nhà băng giới hạn số tiền mà khách hàng được rút ra khỏi tài khoản của mình và nước này bị vỡ nợ ... với khoản nợ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước này.
Khi đó đã xảy ra làn sóng bạo động, trộm cắp và một số người bị chết.
Nhiều người đã mất hết tài sản, trong khi hàng nghìn người tuyệt vọng về tương lai đã rời bỏ đất nước.
Không ai nói rằng Argentina đã phục hồi hoàn toàn – dù sao thì điều đó chưa xảy ra – nhưng gần như hàng ngày trên các báo nước này đều có những tít lớn khẳng định nạn thất nghiệp giảm, xuất khẩu tăng, nền kinh tế tăng trưởng từng tháng và tỷ lệ nghèo đói giảm.
Bà Bộ trưởng Kinh tế Felisa Miceli đi đâu cũng tươi cười mãn nguyện.
Nhưng khi tôi đọc những mẩu tin này ở trên tàu Subte - hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Buenos Aires - trên đường đến văn phòng BBC tại trung tâm thủ đô, tôi đã bị cắt ngang bởi những người có lẽ không được hưởng những lợi ích của sự phồn vinh.
Những người đàn ông bán những thứ lặt vặt như bút, tuốc-nơ-vít, dập ghim, robot đồ chơi và thước dây.
Trên tàu, có những người mù thổi kèn harmonica, những người già từ những miền quê chơi những chiếc đàn ghi-ta đã cũ và những đứa trẻ đi chân đất dắt theo cha mẹ chúng bị tàn tật chìa tay hoặc mũ ra để xin tiền.
Những đứa trẻ, chỉ khoảng 5-6 tuổi, đến trước mặt hành khách đi tàu xin vài đồng xu để mua đồ ăn.
Một thanh niên nói to với giọng tự tin, không hề xấu hổ, rằng anh ta bị AIDS và không có tiền để chữa bệnh.
Hầu như ngày nào tôi gặp một ông cụ với khối u trên cổ, cố gắng thều thào những tiếng không rõ để rao bán những chiếc hộp thuốc cao dán mà ông đang cầm trên tay.
Tôi không cần cao dán nhưng vì thương ông nên cũng mua một ít.
Nhưng có lẽ thương tâm nhất là một người phụ nữ đẩy chiếc xe chở cậu con trai bị tàn tật đi qua các qua các toa tàu, để mọi người thấy chân tay quặt quẹo của cậu trong khi bà giơ một chiếc cốc ra xin tiền.
Một số người cho bà tiền, một số người chỉ ngước nhìn bà rồi tiếp tục đọc sách báo trong khi một số người khác xua tay một cách miệt thị đuổi những người ăn xin và những người bán hàng đi chỗ khác.
Trước lúc nửa đêm, những chiếc xe chở rác đi qua những con phố của tầng lớp trung lưu với những ngôi nhà được rào cẩn thận, cổng khoá chắc chắn và những cảnh vệ đứng gác tại các góc phố.
Nhưng trước khi xe đến lấy rác đi, có những người nhặt rác chạy hối hả theo những rãnh nước, qua bóng tối, bới tìm những mẩu giấy, bìa các-tông, bất kỳ thứ gì có thể ăn được hoặc bất kỳ cái gì có thể tái chế.
Sự phục hồi của kinh tế Argentina thể hiện rõ nhất ở thủ đô Buenos Aires, nơi có nhiều công trình xây dựng và giá sinh hoạt tương đối thấp thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài.
Tình trạng nghèo đói thể hiện rõ nhất ở những miền quê Argentina và sự hấp dẫn của các thành phố, nơi mà cả cộng đồng dân cư nghèo đói có thể sống từ những thứ mà người giàu không còn cần nữa, là điều dễ hiểu.
Người ta rất dễ bỏ qua họ - những người sống nhờ vào những gì người giàu vứt đi – và nhiều người lãng quên họ thật, giữa những chiếc xe hơi đời mới, những bộ quần áo thời trang và những nhà hàng sang trọng.
Có lẽ biểu tượng sâu sắc nhất của sự phục hồi kinh tế ở Argentina là ở Puerto Madero, nơi trước đây là bến tàu hoang vắng và bẩn thỉu.
Trong những năm gần đây, nơi này được các nhà kinh doanh bất động sản đến đầu tư và xây dựng lại.
Giờ đây, khu đô thị này có những khách sạn và nhà hàng sang trọng và những nhà chung cư đắt tiền nhất ở thủ đô Buenos Aires.
Nhưng thậm chí ở đây, ngay giữa khu phố sang trọng nhất, người ta vẫn thấy cảnh nghèo khó: Một nhà ăn từ thiện vừa được mở, phục vụ miễn phí cho trẻ em nghèo và người già không nơi nương tựa.
Một nhà kinh doanh giàu có đã hiến đất để xây nhà ăn này và nó sẽ được điều hành bởi một trong những nhân vật đối lập nổi tiếng nhất, ông Raul Castells.
Một tấm biển lớn treo gần khách sạn Hilton sang trọng, trên đó người ta viết: “Chúng tôi đấu tranh vì một nước Argentina, ở đó chó của nhà giàu không còn được ăn ngon hơn trẻ em nhà nghèo”.
500 người nghèo dự lễ khai trương nhà ăn từ thiện.
Nghèo đói không phải là điều gì mới mẻ ở Mỹ Latin và tình trạng nghèo đói tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil hay tại khu ổ chuột ở thủ đô Lima của Peru còn tệ hại hơn nhiều so với ở Argentina.
Và người nghèo ở Argentina thì lúc nào cũng có và họ là nạn nhân của bộ máy chính quyền tham nhũng và các chính sách kinh tế sai lầm.
Các con số chính thức cho thấy, năm ngoái tỷ lệ trẻ em thuộc diện nghèo ở nước này đã giảm từ 62% xuống còn 58%.
Người chết đói thì hầu như không có, nhưng ở một nước có sản phẩm thịt bò ngon bậc nhất thế giới và hàng triệu hectare đất màu mỡ, vẫn có hàng triệu người thiếu ăn.
Tỷ lệ nghèo đói giảm và những dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế hiển nhiên là rất đáng hoan nghênh, nhưng người ta chưa thể hài lòng khi vẫn còn những trẻ em đi chân đất, những đứa trẻ lẽ ra phải đến trường thì lại phải đi bán rong những hộp bút chì để có miếng ăn hàng ngày.
Theo BBC
|