Bầu cử ở Thái Lan: Khó phá vỡ bế tắc chính trị 45,2 triệu cử tri Thái Lan hôm 2.4 bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sớm 3 năm trước thời hạn, mà Thủ tướng Thaksin Shinawatra kêu gọi nhằm đánh bại chiến dịch lật đổ ông. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử lần này chưa chắc đã giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thái Lan.
Phải đối mặt với sự tẩy chay từ 3 đảng đối lập chính (Dân chủ, Mahachon và Chart Thai), Thủ tướng Thaksin đã biến cuộc tổng tuyển cử lần này thành một cuộc trưng cầu dân ý về uy tín lãnh đạo của mình bằng cam kết sẽ từ chức nếu Đảng "Người Thái yêu người Thái" (TRT) của ông giành được ít hơn 50% số phiếu ủng hộ. Kết cục trên, theo các nhà phân tích, sẽ khó có thể xảy ra bởi TRT dường như không có đối thủ ở hơn một nửa trong số 400 khu vực bầu cử trên toàn quốc. Tuy nhiên, sự tẩy chay của phe đối lập sẽ khiến cho cuộc bầu cử trở nên phức tạp bởi vấn đề bây giờ không nằm ở chỗ đảng nào sẽ chiến thắng, mà là số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đạt bao nhiêu và cử tri bỏ phiếu như thế nào. Các đảng sẽ tranh 500 ghế tại hạ viện theo thể thức bầu 400 ghế tại các khu vực bỏ phiếu và 100 ghế được phân chia theo tỉ lệ số phiếu của các đảng. Nhưng vấn đề hiện nay là nguy cơ không đủ ứng cử viên cho 100 ghế còn lại trong hạ viện. Hiện tại, Đảng TRT chỉ có 99 ứng cử viên. Các đảng còn lại hầu như không có khả năng giành 5% số phiếu cần thiết để đủ điều kiện giữ một ghế trong tổng số 100 ghế được phân phối theo danh sách đảng. Đã thế, theo luật bầu cử của Thái Lan, tại những khu vực chỉ có một ứng cử viên, người này sẽ trúng cử nếu có số phiếu bầu chiếm ít nhất 20% tổng số cử tri tại khu vực bầu cử đó. Như vậy, nếu cuộc vận động cử tri tẩy chay hoặc bỏ phiếu trắng của phe đối lập thành công, rất có thể ứng cử viên của TRT không giành đủ số phiếu cần thiết theo luật định. "Bế tắc sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng sau bầu cử" - nhà phân tích chính trị Somjai Phagaphasvivat bình luận. Chiến dịch tẩy chay Các địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc ở Thái Lan mở cửa từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 3 giờ chiều. Kết quả sơ bộ từ Uỷ ban Bầu cử dự kiến sẽ được công bố sáng sớm 3.4. Các phe phái đối lập, trong đó có Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) đã mở chiến dịch kêu gọi cử tri điền vào ô "bỏ phiếu trắng" để chống lại ông Thaksin. Thủ tướng cũng phải đối mặt với sự phản đối ở các tỉnh phía nam - nơi mà đảng của ông chỉ giành được 1 ghế trong cuộc bầu cử năm 2005. Phe đối lập cam kết biến khu vực này thành "vùng phi TRT" và được nhiều cử tri ủng hộ. "Tôi sẽ đi bỏ phiếu, nhưng không bỏ cho ai cả", Jum Rutikan - một nhân viên quầy bar 26 tuổi ở Phuket - nói. C.Thắng (Theo AFP, AP, BBC) |
▪ Dạy trẻ phòng vệ (31/03/2006)
▪ Đổi nghề (01/04/2006)
▪ Truyền hình di động xuất hiện ở Nhật (03/04/2006)
▪ Yếu thế! (31/03/2006)
▪ Di sản khoai tây (31/03/2006)
▪ Scotland: Phát triển du lịch bằng tàu hoả cổ (03/04/2006)
▪ Thủ tướng Pháp thừa nhận mắc sai lầm (03/04/2006)
▪ Michael Jackson - người ngu ngốc nhất nước Mỹ (03/04/2006)
▪ Báo chí Châu Âu đùa cợt nhân ngày "cá tháng tư" (03/04/2006)
▪ Argentina "làm sạch" lực lượng cảnh sát (03/04/2006)