Các nhà tài trợ quan ngại về tình trạng tham nhũng ở VN?
Tháng 6 tới, Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cử đoàn thanh tra đến VN để xem xét việc thực hiện các dự án do WB tài trợ, bao gồm cả vụ PMU18. Trưởng Đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) tại Việt nam Bella Bird: Rất nhiều câu hỏi về PMU
"Tháng 6 tới, DFID và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cử một đoàn thanh tra tới VN để xem xét việc thực hiện các dự án do WB tài trợ, bao gồm cả về vụ PMU18. Theo tôi, đây là thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng tại VN" - bà Bella Bird (ảnh) nhận định trong cuộc gặp PV Báo Lao Động tuần qua.
- Các nhà tài trợ vừa có cuộc họp bất thường liên quan tới vụ tham nhũng tại PMU18. Bà có thể cho biết kết quả?
- Cuộc họp đã chứng tỏ sự quan ngại của các nhà tài trợ đối với tình trạng tham nhũng vẫn còn tồn tại ở VN, và điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là các biện pháp xử lý của Chính phủ VN trong vụ PMU18. Cuộc họp nhất trí tại hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Nha Trang vào tháng 6, chủ đề chống tham nhũng sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự với Chính phủ VN. Để diệt trừ tham nhũng, không thể thiếu sự minh bạch hoá và VN cần có bộ phận độc lập để chống tham nhũng.
- Bà từng nói DFID đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường tại dự án ODA ở VN trước khi vụ PMU18 bị phanh phui?
- Năm ngoái DFID đã từng phát hiện một số bất cập tại dự án trong ngành giao thông, và đã lập tức thông báo cho Bộ Giao thông Vận tải. Vụ việc đã được xử lý ngay khi đó. Như các nhà tài trợ khác, DFID có cơ chế giám sát tham nhũng độc lập tại các dự án ODA tại VN. Riêng về PMU, chúng tôi đã có rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là trách nhiệm giải trình của các PMU. Trong một thoả thuận với Chính phủ VN, các nhà tài trợ đã yêu cầu xoá bỏ các PMU tại VN vào năm 2010.
- Vì sao các nhà tài trợ vẫn đồng ý duy trì mô hình PMU tại VN tới năm 2010?
- Cá nhân tôi rất muốn những cơ chế như PMU biến mất ngay ngày mai, nhưng không phải những gì muốn là có thể làm ngay được, giữa các nhà tài trợ cũng vẫn có những ý kiến khác biệt về PMU. Gần đây, tôi cùng các đồng nghiệp xuống Hải Phòng thăm các dự án ngăn ngừa HIV/AIDS do DFID tài trợ. Điều ngạc nhiên là chúng tôi phát hiện thấy sự hiện diện của PMU ở khắp mọi nơi. Có 8 dự án HIV thì có 8 PMU khác nhau trong cùng một tỉnh. Hãy tưởng tượng làm sao có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để khi các dự án mỗi nơi một kiểu, tiền rót vào chỗ này, chỗ kia không theo quy luật nào cả. Đó là sự thiếu hiệu quả của cơ chế PMU.
- Dư luận đang đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các nhà tài trợ đối với khoản tiền cho vay ODA, khi nhà tài trợ nào cũng có "cơ chế giám sát độc lập", nhưng lại sốc khi tham nhũng tại PMU18 bị phát hiện?
- Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu với các số liệu thực tế. Cho tới nay, chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy tiền tài trợ nước ngoài đã bị biển thủ. Tất cả những gì chúng tôi biết là các quan chức PMU18 đã bỏ ra hàng triệu USD để đánh bạc. Câu hỏi hiện nay là họ lấy tiền đó ở đâu? Chúng ta cần phải dựa vào kết quả điều tra để biết sự thật, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu chỉ căn cứ vào tin đồn hoặc phán đoán thì sẽ chẳng thể đi đến đâu.
DFID và WB sẽ cử một nhóm chuyên gia đến khảo sát các dự án của PMU18 vào tháng 6, tuy nhiên trước đó còn nhiều công việc chuẩn bị cần được tiến hành. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục thu thập dữ liệu.
- Xin cảm ơn bà!
Phương Thuỷ thực hiện Trả lời phỏng vấn trên BBC, ông Rakesh Nangia - Giám đốc quản lý dự án của WB tại VN - xác nhận phái đoàn điều tra về vụ PMU18 sẽ lưu lại VN trong khoảng 2-3 tuần. Theo ông Nangia, "nếu trong quá trình thanh tra chúng tôi thấy bất kỳ vấn đề gì trong các dự án này thì WB sẽ yêu cầu Chính phủ truy hoàn tiền vay, bất kể đã giải ngân hay chưa". |
|