Cuộc tranh cãi khí đốt Nga - Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề tới châu Âu khi ở nhiều nước thuộc châu lục này, người dân vẫn tiếp tục phải chịu cảnh rét mướt vì thiếu nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh. Các quốc gia vùng Balkan, vốn phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn khí đốt của Nga và cũng chưa thể phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại hay nguồn năng lượng thay thế, là những nước bị tác động nghiêm trọng nhất.
Co ro trong băng giá
Tại Bosnia-Herzegovina, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đã ngưng từ hôm 6.1 trong khi nước này nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ Nga. Công ty khí đốt BH của Bosnia-Herzegovina cho biết họ không có nguồn khí đốt dự trữ và đã khuyên người tiêu dùng sử dụng các nguồn nhiên liệu khác hoặc giảm bớt nhu cầu sử dụng khí đốt, theo hãng tin Reuters. Tại thủ đô Sarajevo, theo AP, các máy sưởi chạy bằng điện đã được bán hết vèo chỉ trong vài giờ.
Cửa hàng bán than, gỗ cũng mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của người dân. Ấy vậy mà hiện vẫn còn khoảng 72.000 hộ gia đình ở đây thiếu phương tiện sưởi ấm. Nhiều người đã phải chuyển đến ở nhà bạn bè hoặc người thân có hệ thống sưởi ấm chạy bằng điện hoặc dầu. Không ít người do không chịu nổi thời tiết lạnh giá (-5 độ C) đã phải đốn cây đun để giữ ấm hoặc mua than từ chợ đen, Báo The Times cho biết.
Tại Bosnia-Herzegovina cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, trong những ngày này, người ta rất dễ gặp hình ảnh người dân hì hục bổ củi. Ngoại trưởng Bosnia Sven Alkalay chua xót nói: "Bốn triệu dân chúng tôi đang trong tình cảnh nguy khốn". Còn theo một quan chức thuộc công ty khí đốt nhà nước, tình trạng này mà còn kéo dài thì sẽ trở thành thảm họa nhân đạo.
Tình cảnh ở Bulgaria cũng thê thảm không kém khi nguồn cung khí đốt từ Nga đến nước này qua ngả Ukraine đã bị cắt hoàn toàn từ hôm 6.1. Khoảng 80% nguồn khí đốt của Bulgaria là được nhập từ Nga. Hàng chục ngàn hộ gia đình ở miền đông xứ sở hoa hồng không còn khí đốt để sưởi ấm. Hàng chục trường học, công ty phải đóng cửa hôm 7.1.
Các loài thú cũng chịu chung số phận với con người khi khoảng 1.300 con thú tại một sở thú ở thủ đô Sofia phải chịu rét vì thiếu khí đốt để chạy lò sưởi. Các nhà quản lý sở thú phải tìm đến máy sưởi điện để giữ ấm cho một số loài như voi, khỉ..., song vẫn còn khoảng 1/3 trong số này chịu cảnh rét mướt, theo Reuters. Tình hình ở Bulgaria hiện rất nghiêm trọng vì nước này không có nhiều nguồn cung cấp khí đốt thay thế trong khi nguồn khí dự trữ thì cực kỳ khiêm tốn, theo lời Tổng thống Georgi Purvanov.
Ông này cũng vừa đề nghị khởi động lại một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Kozloduy vốn phải đóng cửa theo yêu cầu của EU khi nước này gia nhập khối hồi năm 2007. Để đối phó với tình trạng thiếu chất đốt, Bulgaria đã phải chọn cách phân bổ khí đốt theo từng ngành, đồng thời liên tục đưa ra cảnh báo nguồn dự trữ khí đốt sẽ cạn kiệt trong vài ngày nữa.
Tại Croatia, nước phải nhập hơn một nửa nhu cầu khí đốt từ Nga, Bộ Kinh tế đã phải tuyên bố đây là một cuộc khủng hoảng và ra lệnh giảm nguồn cung khí đốt đến các ngành tiêu thụ nhiều khí đốt. Theo bộ này, khí đốt chỉ được ưu tiên cho các hộ gia đình, trường học và bệnh viện. Slovakia cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 6.1 sau khi nguồn cung từ Nga giảm 70%. Theo chân Bulgaria, Chính phủ Slovakia cho biết có thể sẽ khởi động lại một lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Jaslovske Bohunice.
Tại một số quốc gia như Áo, Pháp, Czech... tình hình có vẻ sáng sủa hơn nhưng cũng khó có thể cầm cự lâu nếu cuộc chiến khí đốt giữa Ukraine và Nga còn kéo dài. Theo tập đoàn năng lượng OMV của Áo, mặc dù nguồn khí đốt từ Nga tới nước này đã bị ngưng song hãng hiện còn khoảng 1, 75 tỉ m3 khí đốt dự trữ, đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân trong 3 tháng mùa đông. Tại Czech, theo Reuters, nguồn dự trữ khí đốt có thể dùng trong khoảng 40 ngày. Nước này cũng tăng cường nhập khí đốt qua ngả Na Uy.
Theo nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Pháp là GDF Suez, nguồn dự trữ của họ đủ dùng cho hơn 80 ngày. Đức cũng khẳng định không gặp khó khăn tức thời song sẽ không tránh khỏi tình cảnh thiếu khí đốt nếu cuộc chiến khí đốt giữa Nga-Ukraine và thời tiết lạnh giá kéo dài. Nhiều quốc gia khác như Hungary, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ... đã chuyển sang nguồn năng lượng dự trữ, tăng nguồn cung cấp khí đốt từ các ngả trung chuyển khác hoặc sử dụng nguồn nhiên liệu khác thay thế.
Nỗ lực cứu nguy
Trong hoàn cảnh hết sức cấp bách này, giới chức EU đã tiến hành hàng loạt chuyến công tác ngoại giao con thoi tới Nga và Ukraine để tìm cách nối lại nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Theo thông tin mới nhất từ phía EU, hôm 8.1, họ đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc cử các quan sát viên độc lập tới Ukraine để giám sát nguồn năng lượng quá cảnh từ Nga sang châu Âu, theo Reuters.
Nguồn cung cấp khí đốt cho EU - năm 2006: (*)Các nước khác: Gồm Libya (0,1%), Oman (0,2%), Trinidad & Tobago (0,7%), Qatar (1,1%) và Ai Cập (1,7%)
Mức độ phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga: Phụ thuộc 100%: Latvia, Slovakia, Phần Lan, Estonia |
Theo thỏa thuận, các quan sát viên sẽ có mặt tại tất cả các trạm điều khiển hệ thống vận chuyển khí đốt quá cảnh trên lãnh thổ Ukraine, nhằm đảm bảo nguồn năng lượng này không bị "hao hụt" trong quá trình vận chuyển. "Việc triển khai phái đoàn này sẽ dẫn đến quá trình khôi phục nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu", Báo Guardian trích tuyên bố từ CH Czech, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Moscow sẽ nối lại việc bơm khí đốt sang châu Âu một khi phái đoàn quan sát viên của châu Âu có mặt tại Ukraine, theo BBC.
Với những chuyển biến lạc quan trên, người ta đang hy vọng những điều tồi tệ mà người dân một số quốc gia châu Âu hiện đang phải gánh chịu sẽ sớm chấm dứt. Nếu không, mùa đông năm nay đối với người châu Âu sẽ rất dài và rất lạnh giá.
Theo Thanh Nien Online
▪ Israel, Hamas phớt lời lời kêu gọi của LHQ (10/01/2009)
▪ Châu Âu hứng chịu đợt tuyết rơi lịch sử (10/01/2009)
▪ Hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Gaza (09/01/2009)
▪ Những giả định quanh cái chết của cựu MC Ai Iijima (09/01/2009)
▪ Nga - Ukraine “húc nhau” châu Âu “chết... cóng” (09/01/2009)
▪ Chùm ảnh: Những cuộc ẩu đả trong nghị viện (09/01/2009)
▪ Cuộc hội ngộ lịch sử của 5 đời tổng thống Mỹ (08/01/2009)
▪ “Con tin” EU (08/01/2009)
▪ Thủy cung kỳ ảo trong khu bảo tồn của Mỹ (07/01/2009)
▪ 'Sao' phim khiêu dâm Nhật bị AIDS (07/01/2009)