Chúng tôi có đủ lý lẽ thuyết phục
Các Website khác - 23/02/2006
Jonathan Moore.
Luật sư Jonathan Moore, trưởng đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân da cam Việt Nam, nói về công việc chuẩn bị cho phiên tranh tụng tại tòa phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ, dự kiến diễn ra vào cuối tháng tư hoặc đầu tháng năm tới.
Lần thứ tư đến Việt Nam trong vòng hơn một năm, luật sư Jonathan Moore, trưởng đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân da cam Việt Nam, có gần một tuần ở Hà Nội để bàn bạc lần cuối với VAVA (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam), chuẩn bị cho phiên tranh tụng tại tòa phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ về vụ kiện chất độc da cam.

Hơn một năm làm việc cật lực, các luật sư đã tìm ra nhiều điểm mới bảo vệ các nạn nhân Việt Nam. Ông nói:

- Vấn đề chính mà chúng tôi sẽ đưa ra và buộc tòa phải nhìn nhận là việc các công ty hóa chất đã vi phạm luật pháp quốc tế. Chứng minh chất độc có trong chất diệt cỏ là điều chúng tôi đã làm được và tòa án sơ thẩm đã chấp nhận điều đó, tuy nhiên họ lại chuyển sang bàn về vấn đề luật pháp. “Chiêu” của họ là khi đuối về luật họ sẽ nhằm vào thực tế, khi yếu về thực tế họ lại nhằm vào luật. Khi đuối về cả luật, cả thực tế thì họ cố gắng làm cho vấn đề chính trở nên lẫn lộn.

* Diễn biến mới nhất của vụ kiện này, thưa ông?

- Chúng tôi đã kháng cáo, và đang chuẩn bị những từ ngữ cuối cùng cho dự thảo văn bản phản bác sẽ nộp lên tòa án vào ngày 22-3 tới. Phiên tranh tụng sẽ được mở vào cuối tháng tư hoặc đầu tháng năm.

* Chứng cứ mới nhất đưa ra trong phiên tranh tụng tới đây là gì?

- Chứng cứ chúng tôi đưa ra là sự nhiễm độc tự nhiên của dioxin đã không được coi trọng trong phiên tòa trước. Và họ cần phải nhận ra điều đó bởi điều này rất quan trọng. Họ đã lựa chọn góc độ bác bỏ vụ kiện ít dựa trên việc dioxin có độc hay không, mà dựa trên câu hỏi về việc liệu tòa án có đủ năng lực để chấp nhận vụ kiện mà không xem xét đến việc chúng tôi buộc tội các công ty hóa chất đã vi phạm luật pháp quốc tế và luật tập quán quốc tế. Chúng tôi sẽ chỉ ra điều đó.

Chúng tôi cũng sẽ chỉ ra rằng điều cơ bản mà anh có ở đây là gì. Những cựu binh Mỹ, Australia, Hàn Quốc từng rải chất độc đã được bồi thường, vậy thì xét về mặt luật pháp và đạo đức, những nạn nhân của chất độc ấy cũng phải được bồi thường. Tôi hi vọng rằng tòa sẽ đồng ý với luận điểm này.

* Những chứng cứ phía Việt Nam đưa ra có đủ sức thuyết phục không?

- Rất thuyết phục. Đây là một vụ kiện quan trọng, và vì thế cũng rất khó khăn. Chúng tôi đang yêu cầu tòa án Mỹ ghi nhận những người Việt Nam chống lại những công ty hóa chất Mỹ cung cấp hóa chất độc cho Chính phủ Mỹ trong chiến tranh.

Và điều mà Chính phủ Mỹ quan tâm trong vụ này là nếu chúng tôi thắng kiện thì việc hợp tác cung cấp những nguyên liệu khác từ trước tới nay, có thể có chất độc, hoặc bất hợp pháp, như chất uranium đang được sử dụng trong các cuộc chiến có thể sẽ gây hại đến những người tiếp xúc với nó. Những vi phạm tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Nếu vậy thì sao? Vấn đề là việc vi phạm sẽ phải bị trừng phạt.

* Ông đánh giá thế nào về kết quả của vụ kiện?

- Nếu vào tháng tư chúng ta có được một không khí công bằng và trung thực, chúng ta sẽ thắng. Nhưng cũng khó mà biết trước kết quả.

* Ai sẽ là thẩm phán tại phiên tranh tụng?

- Có tới 20 vị thẩm phán ở tòa phúc thẩm, ba trong số đó được chỉ định để xem xét kháng cáo. Chúng ta không biết họ là ai cho đến khi thật sự vào phiên tranh tụng. Tôi được biết rằng một trong những vị thẩm phán là anh họ của ông George Bush. Nhưng tôi vẫn hy vọng vào một kết cục có hậu.

Hội nghị Luật gia quốc tế ủng hộ vụ kiện da cam:

Sẽ nêu vụ kiện trước Cao ủy Liên Hiệp Quốc

Cuộc họp của các luật gia dưới sự chủ trì của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhằm ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam đã khép lại vào chiều 22-2.

Tại cuộc gặp dành cho báo chí cùng ngày, ông Jitendra Sharma - chủ tịch IADL - cho biết đại diện của IADL sẽ nêu vụ kiện chất độc da cam Việt Nam trước hội nghị của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 3-2006 nhằm tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.

Ông Sharma tự tin khẳng định khả năng chiến thắng của nạn nhân da cam Việt Nam là 100%, căn cứ vào sự ủng hộ của các luật sư quốc tế và những bằng chứng thực tế có sức thuyết phục từ phía Việt Nam.

Việc ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam là một phần thuộc chương trình hành động của IADL kể từ năm 2005. Hiện nay, IADL có thành viên thuộc 96 nước trên thế giới.


Theo Tuổi trẻ