Khởi động đàm phán về quy chế chính trị cho Kosovo: Liệu có ánh sáng ở cuối đường hầm?
Goran Vasjlievic (từ Belgrade) viết riêng cho Lao Động
 | Đoàn Serbia tại bàn đàm phán. | Sau bao lần trì hoãn, cuối cùng cuộc đàm phán về quy chế chính trị cho Kosovo đã được Liên Hợp Quốc (LHQ) khởi động tại Vienna (Áo) trong các ngày 20-22.2. Tuy nhiên, diễn biến bên ngoài vòng đàm phán khiến dư luận băn khoăn: "Phải chăng đây chỉ là vỏ bọc nguỵ trang cho một kết quả đã được định trước?".
Trong cuộc chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Serbia và cộng đồng thiểu số gốc Albania tại Kosovo, kể từ sau cuộc xung đột dẫn tới sự can thiệp quân sự của NATO hồi năm 1999. Phiên đàm phán đầu tiên đã kết thúc, nhưng không có tín hiệu nào cho thấy khoảng cách giữa hai bên được thu hẹp. Ông Leon Kojen - người đứng đầu đoàn đàm phán Serbia - tuyên bố: "Kosovo là một phần của Serbia". Còn ông Lutfi Haziri - đại diện cho cộng đồng Albania tại Kosovo - lớn tiếng: "Kosovo phải được độc lập. Thậm chí nếu có thể, hãy để điều đó thành hiện thực ngay ngày mai"!
Những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên cho thấy việc LHQ tìm ra giải pháp được cả Serbia và cộng đồng Albania chấp thuận sẽ là vô cùng nan giải. Nhưng trên thực tế, "chìa khoá" đã có sẵn, chứ không cần chờ kết quả từ bàn đàm phán. Ngay từ trước khi phiên đàm phán tại Vienna bắt đầu, ông Martti Ahtisaari - cựu Tổng thống Phần Lan và là đặc sứ của LHQ tại vòng đàm phán - đã trả lời tạp chí Đức Spiegel rằng: "Kosovo sẽ không quay lại thực trạng như trước năm 1999 (là một phần lãnh thổ của Serbia) và cũng sẽ không sáp nhập vào một quốc gia nào khác trong khu vực (như Albania). Phe đa số sẽ quyết định về quy chế tương lai của Kosovo". Câu trả lời lấp lửng trên đã được phó đặc sứ của LHQ phụ trách vòng đàm phán, ông Albert Rohan, làm rõ nghĩa thêm: "Độc lập sẽ là tương lai của Kosovo".
Hiện khoảng 90% dân số Kosovo là người gốc Albania. Như vậy, việc ông Ahtisaari tuyên bố phe đa số sẽ quyết định tương lai tại Kosovo, không có nghĩa gì khác hơn là muốn trao cho Kosovo quyền độc lập. Rõ ràng, trong lúc chính quyền Belgrade đang đặt cược hy vọng vào bàn đàm phán để duy trì sự thống nhất cho lãnh thổ Serbia, thì dường như bên ngoài đã biết rõ câu trả lời về quy chế tương lai của Kosovo.
"Serbia phải biết chấp nhận luật chơi" "Chúng tôi phản đối độc lập cho Kosovo, nhưng sẽ ủng hộ một hệ thống phân quyền và trao thêm quyền tự trị cho chính quyền địa phương", ông Kojen - trưởng đoàn đàm phán Serbia - cho hay. Nhưng những tuyên bố đó dường như không làm đại diện cộng đồng gốc Albania tại Kosovo quan tâm. Ông Danijel Pantic - Giám đốc của Phong trào Châu Âu tại Serbia, một tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Belgrade và Liên minh Châu Âu - cho hay dường như trò chơi "lá mặt, lá trái" đang được áp dụng tại vòng đàm phán. "Dư luận Serbia có cảm giác chung rằng mọi việc đều đã được quyết định, và các cuộc đàm phán kia chỉ là ngụy trang" - ông Pantic nói.
Tomislav Nikolic - thủ lĩnh Đảng Cực đoan quốc gia Serbia - khẳng định nếu LHQ trao quyền độc lập cho Kosovo, Serbia sẽ tuyên bố đó là "vùng lãnh thổ bị chiếm đóng". "Nếu Kosovo được độc lập, điều đó sẽ như một nhân tố kích hoạt các cuộc xung đột sắc tộc khác, không chỉ tại Serbia mà còn trên toàn thế giới" - ông Nikolic cho hay. Nhưng Serbia dù muốn cũng khó cưỡng lại quyết định của cộng đồng quốc tế, như đặc sứ LHQ Ahtisaari đã tuyên bố: "Serbia phải biết chấp nhận luật chơi, nếu muốn được tham gia".
Dẫu sao dư luận cũng tiếp tục phải chờ xem những gì sẽ diễn ra tại phiên đàm phán tiếp theo vào ngày 17.3 tới, trước khi quy chế cuối cùng cho Kosovo được LHQ công bố vào cuối năm nay. Hiện có hơn 100.000 người Serb thiểu số tại Kosovo. Họ vẫn sử dụng tiền tệ của Serbia là đồng dinar, trong lúc người gốc Albania lại sử dụng euro. Mạng lưới điện thoại tại đây cũng khác nhau: Người Serb dùng mạng của Serbia, còn cộng đồng gốc Albania dùng mã số mạng mượn từ Monaco. Phương Thuỷ dịch |