Cơn thịnh nộ mới của thế giới Hồi giáo Ngày 3.2, sự tức giận của người dân ở thế giới Arab và Hồi giáo đối với việc một số tờ báo ở Châu Âu đăng tải những bức tranh biếm hoạ về nhà tiên tri Muhammad ngày càng leo thang. Tại Palestine, các phóng viên nước ngoài thậm chí không dám ra đường vì sợ bị bắt cóc và trả đũa.
Theo giải thích của ông Tổng biên tập Báo Jyllands-Posten, báo này đã đề nghị 40 hoạ sĩ vẽ tranh biếm về nhà tiên tri với mục đích kiểm chứng xem người ta phản ứng thế nào trước những vấn đề liên quan đến thế giới Hồi giáo. Nhưng theo Luật Hồi giáo, được xây dựng dựa trên sự diễn giải Kinh Quran và các lời phán của nhà tiên tri thì việc miêu tả, thuật hoạ nhà tiên tri Muhammad hoặc các nhân vật tôn giáo cấp cao khác là điều cấm kỵ, dù đó là những hình ảnh mang ý nghĩa tốt. Sau khi xảy ra vụ việc, Syria và Saudi Arabia đã triệu hồi đại sứ ở Đan Mạch, Libya thì đóng cửa sứ quán tại Copenhagen để phản đối vụ việc. Văn phòng của Jyllands-Posten tại Trung Đông cũng phải sơ tán vì bị doạ đánh bom. Nhiều công ty Đan Mạch đã phải hứng chịu sự tẩy chay mạnh mẽ ở Trung Đông. Chẳng hạn Công ty sữa Arla Foods phải cho nghỉ việc 125 nhân viên. Vậy mà những bức tranh biếm ấy lại một lần nữa được đăng tải đồng loạt trên báo chí Châu Âu và thổi bùng lên cơn thịnh nộ mới. Tại Iraq, các nhà lãnh đạo tôn giáo hôm 3.2 đã thúc giục các tín đồ biểu tình từ Baghdad tới thành phố Basra phía nam sau lễ cầu nguyện hằng tuần vào ngày thứ 6. Afghanistan, Indonesia đều lên tiếng chỉ trích các bức vẽ này còn Iran thì triệu hồi đại sứ ở AÁo - nước đang nắm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU. Tại Palestine, các tay súng đeo mặt nạ đã doạ sẽ bắt cóc người nước ngoài ở Dải Gaza. Na Uy và Đan Mạch đã phải đóng cửa các cơ quan ngoại giao tại đây. Ơ Bờ Tây, các tay súng còn lùng sục nhiều khách sạn để tìm kiếm người nước ngoài và một công dân Đức đã bị bắt cóc ở Nablus. Rất may là sau đó một giờ, anh đã được cảnh sát giải cứu. Tình hình căng thẳng đến nỗi các phóng viên nước ngoài hoặc phải rút khỏi Dải Gaza hoặc huỷ bỏ kế hoạch đi lại. Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen hôm 2.2 đã xuất hiện trên đài truyền hình và xin lỗi những người Hồi giáo vì bất kỳ sự xúc phạm nào. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ của ông không chịu trách nhiệm về các bài báo. Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Arabiya (Dubai), ông Rasmussen kêu gọi các bên tránh để căng thẳng leo thang. Rasmussen nhận xét vấn đề đã vượt quá biên giới Đan Mạch và biến thành sự va chạm giữa tự do ngôn luận phương Tây và văn hoá kiêng kỵ của đạo Hồi. Tờ France Soir của Pháp hôm 2.2 đã đăng lời xin lỗi cộng đồng Hồi giáo và "những ai thấy choáng váng vì các bức vẽ đã đăng", đồng thời thông báo sa thải Tổng biên tập Jacques Lefranc. Trong khi đó, tờ Shihan - một tờ báo của Jordan - lại cho đăng lại các bức biếm hoạ để độc giả thấy mức độ của sự gây gổ của các bức tranh đó cũng không đến nỗi nào, đồng thời thúc giục thế giới Hồi giáo kiềm chế. Bài xã luận trên tờ Shihan lưu ý rằng, báo Jyllands-Posten và một số báo khác đã xin lỗi, nhưng "vì lý do nào đó mà không ai trong thế giới Hồi giáo muốn nghe lời xin lỗi cả". Vài giờ sau, Chính phủ Jordan đã doạ sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại Báo Shihan và chủ của tuần báo này cho biết đã sa thải Tổng biên tập Jihad al-Momani và rút các tờ báo khỏi sạp. Tr.M (Theo AP, AFP) |
▪ Người dân Châu Á đón Tết Bính Tuất (27/01/2006)
▪ Thông điệp liên bang của Tổng thống Bush: Không có nhiều điểm mới (03/02/2006)
▪ Những sự kiện nổi bật trong tuần qua (03/02/2006)
▪ Tại Việt Nam: Công giáo phát triển mạnh mẽ và tự do (04/02/2006)
▪ Iran doạ làm giàu uranium (04/02/2006)
▪ Hơi ấm trong mùa xuân tha hương (27/01/2006)
▪ Chuyển tin quê nhà tới kiều bào (27/01/2006)
▪ Ước mơ tìm về cội nguồn (27/01/2006)
▪ Mảnh hồn Việt giữa lòng Nam Phi (27/01/2006)
▪ Về quê ăn Tết (27/01/2006)