Daniel Ellsberg - người góp phần chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở VN: Giá tôi làm điều đó sớm hơn
Các Website khác - 14/03/2006
Daniel Ellsberg - người góp phần chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam:
Giá tôi làm điều đó sớm hơn

Mỹ Hằng
Daniel Ellsberg - một trong hai người Mỹ đã tiết lộ những trang tài liệu mật của Chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, góp phần làm xoay chuyển dư luận Mỹ để phản đối cuộc chiến đã trở lại Việt Nam giữa tháng 3 này. Ellsberg đã rơm rớm nước mắt trong vòng tay những người bạn Việt Nam ở đất nước mà như lời ông: "Yêu mến từ nửa trước của cuộc đời".

Daniel Ellsberg (thứ hai từ phải sang)
nhận Kỷ niệm chương "Vì hòa bình
hữu nghị giữa các dân tộc" tại Hà Nội
ngày 13.3.
Ông Vũ Xuân Hồng - Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), nói về Dan: "Tên ông đã ghi sâu trong trái tim người VN chúng tôi. Những hành động của ông và nỗ lực của nhiều người bạn Mỹ đã góp phần sớm chấm dứt cuộc chiến tranh ở VN". Tấm kỷ niệm chương "Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc" mà VUFO trao cho Ellsberg ngày 13.3 là sự ghi nhận và tri ân những gì ông đã làm hơn 40 năm trước - những hành động khiến ông bị Chính phủ Mỹ lên án, nhưng là điều mà ông tin - và đã được lịch sử chứng minh - là lẽ phải, là sự thật.

Ellsberg từng phục vụ 3 năm trong hải quân Mỹ. Đầu những năm 1960, ông trở thành nhà phân tích của Công ty Rand - một tổ chức tư vấn cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, hỗ trợ hoạch định chính sách qua nghiên cứu và phân tích. Năm 1964, Ellsberg làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 1965, ông chuyển sang Bộ Ngoại giao Mỹ và có 2 năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Chính thời gian này, ông đã nhận ra rằng Mỹ không thể thắng ở VN. Những quyết định leo thang chiến tranh của Chính phủ đã khiến Ellsberg - lúc đó mới ngoài 30 tuổi, vô cùng thất vọng.

"Vậy là trong tôi xuất hiện câu hỏi, tôi có thể làm gì để rút ngắn cuộc chiến này? Tôi nghĩ đến việc tiết lộ 9.000 trang tài liệu mật của Chính phủ Mỹ" - Ellsberg kể lại. "Lúc đó, tôi hy vọng sẽ làm cho mọi người thấy chính phủ đã nói dối đến mức nào".

Ellsberg tóm tắt lại tất cả những gì ông làm như vậy, rất ngắn gọn. Nhưng đó là một câu chuyện kéo dài nhiều năm. Khi trở lại công tác tại Công ty Rand, Ellsberg tìm hiểu cái gọi là "Nghiên cứu tuyệt mật McNamara về việc Mỹ ra quyết định chiến tranh VN thời kỳ 1945-1968". Ông thu thập, photocopy những trang tài liệu liên quan đến việc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở VN.

Về sau, những giấy tờ này được gọi chung là Tài liệu Lầu Năm góc (Pentagon Papers). 7.000 trang tài liệu - một gánh nặng khổng lồ của lịch sử đối với lương tâm Ellsberg lúc đó. Tài liệu Lầu Năm góc tiết lộ: Ngay từ đầu, các nghiên cứu cho thấy, Mỹ không có khả năng thắng lợi, kéo dài cuộc chiến VN sẽ đem lại tổn thất nặng nề hơn những gì người ta dám thừa nhận công khai. Hơn nữa, tài liệu còn đề cập sự hoài nghi đối với dư luận, sự thiếu quan tâm của Chính phủ Mỹ đối với thương vong của lính Mỹ trong cuộc chiến.

Ellsberg biết những gì ông đưa ra có thể là một quả bom trong lòng nước Mỹ, đánh vào niềm tin và sự tự hào của nhiều người Mỹ lúc đó. Ông lén lút thuyết phục một số thượng nghị sĩ đưa ra công khai trước thượng viện 7.000 trang Tài liệu Lầu Năm góc. Nhưng không vị dân biểu nào nhận làm việc này. Cuối cùng, ông tiết lộ tài liệu cho tờ New York Times. Năm 1971, tờ báo cho phát hành 7.000 trang đầu tiên của tài liệu, sau đó bị chính quyền Nixon yêu cầu ngừng phát hành.

"Tôi biết là mình có thể bị tù chung thân. Thực tế là tôi đã bị kết án 12 tội danh với tổng số năm tù có thể lên tới 115 năm. Nhưng bản án bị huỷ bỏ. Điều hối tiếc nhất là tôi đã không đưa ra những tài liệu đó sớm hơn" - Ellsberg trả lời khi được hỏi liệu ông có hối hận về những quyết định của mình. (còn nữa)