Giải pháp cho cuộc chiến ma túy toàn cầu: Vẫn còn bỏ ngỏ
Báo Tiếng chuông - 23/04/2016
Sau hàng thế kỷ, thế giới vẫn không dứt ra được bóng đen của ma túy và các chất gây nghiện. Thất bại của cuộc chiến chống ma túy toàn cầu trong nhiều năm qua khiến các nhà chức trách phải nhìn nhận lại phương thức thực hiện cuộc chiến khó khăn này.
Từ năm 2007 đến 2014 là khoảng thời gian đẫm máu nhất trong chiến dịch quân sự của Mexico để chống lại băng đảng ma túy, hơn 164.000 người thiệt mạng

 

Ma túy phủ bóng đen toàn cầu

Theo báo cáo Tình hình ma túy Toàn cầu năm 2015 của Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), có khoảng 246 triệu người, tương đương với khoảng hơn 5% dân số toàn thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã từng sử dụng ma túy trái phép. Số người có vấn đề về sử dụng ma túy chiếm khoảng 27 triệu người, gần một nửa trong số họ là người tiêm chích ma túy.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm sự lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV và viêm gan C và sốc thuốc, có thể dẫn đến mức độ tử vong trong nhóm người tiêm chích ma túy cao gấp gần 15 lần so với mức bình thường trong các nhóm dân cư nói chung. Có khoảng 1,65 triệu người tiêm chích ma túy đang phải sống chung với HIV. Số lượng các trường hợp tử vong liên quan đến ma túy trong năm 2013 là khoảng 187.100 người. 

Năm 2014, sản lượng thuốc phiện toàn cầu lên đến trên 7.550 tấn - mức cao thứ hai kể từ cuối những năm 1930. Tình hình sử dụng cần sa đang và sẽ tiếp tục tăng cao ở Tây và Trung Phi, Tây và Trung Âu, Châu Đại Dương cũng như ở Bắc Mỹ; Tây Nam Á và Đông Nam Á (chủ yếu là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Myanmar) tiếp tục chiếm phần lớn hoạt động trồng cây thuốc phiện bất hợp pháp.

Methamphetamine thống lĩnh thị trường các loại ma túy tổng hợp toàn cầu, và đang mở rộng ở Đông Á và Đông Nam Á. Sử dụng methamphetamine dạng tinh thể ngày càng tăng ở các khu vực thuộc Bắc Mỹ và châu Âu. Số lượng các vụ bắt giữ ATS kể từ năm 2009 - tăng gần gấp đôi ở mức trên 144 tấn trong năm 2011 và 2012, và vẫn ở mức độ cao vào năm 2013 - cho thấy thị trường ATS mở rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Cho đến tháng 12 năm 2014, có tổng cộng 541 loại chất kích thần mới (NPS) có tác động tiêu cực đến sức khỏe đã được phát hiện và báo cáo tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ - gia tăng 20% so với số lượng 450 loại của năm 2013.

Một vấn đề quan trọng khác được đề cập trong bản báo cáo, đó là mức độ tinh vi và đa dạng của các tổ chức tội phạm liên quan đến ma túy. Nếu như trước đây, các tổ chức này chỉ giới hạn hoạt đông buôn bán vào một loại ma túy, thì giờ đây đa dạng hơn. Các tuyến dường buôn bán, vận chuyển ma túy cũng có sự thay đổi liên tục.

 

Những quan điểm khác nhau

Năm 1998, Liên Hợp Quốc đạt được thỏa thuận về mục tiêu “Thế giới không ma túy - chúng ta có thể làm được điều đó”. Các quốc gia thành viên LHQ cam kết sẽ thúc đẩy một xã hội không còn lạm dụng ma túy và phát triển chiến lược, nhằm loại trừ hoặc giảm đáng kể việc sản xuất và sử dụng các chất bất hợp pháp vào năm 2008. Tuy nhiên, các nỗ lực chống lại chất gây nghiện chết người này không đi đến đâu. Và có thể nói mục tiêu của Liên Hiệp Quốc đã hoàn toàn không đạt được.

Mafia ma túy sinh sôi giống như con rắn bảy đầu trong thần thoại Hi Lạp. Khi các cơ quan chống ma túy chặn bắt những tên buôn lậu, chúng lại tìm lối đi khác. Khi các cánh đồng trồng cây coca hay cây anh túc bị phun thuốc trừ cỏ phá hủy, chúng lại chuyển sang trồng ở nơi mới.

"Cuộc chiến chống ma túy toàn cầu đã thất bại". Bản báo cáo Ủy ban Tư vấn toàn cầu về chính sách chống ma túy (IDPC), một tổ chức phi chính phủ được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, được công bố ngày 1/6/2011 đã bắt đầu như vậy. Báo cáo có tựa đề “Hội đồng Toàn cầu về Chính sách đối với Ma túy” kêu gọi hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy và chấm dứt hình sự hóa việc sử dụng ma túy.

Theo báo cáo, chính sách chống ma túy không những thất bại mà còn làm gia tăng tội phạm có tổ chức, gây tốn kém hàng triệu USD của người đóng thuế và gây ra cái chết cho hàng ngàn người. Theo đó, thay vì trừng phạt những người sử dụng ma túy, chính phủ các nước nên chấm dứt hình sự hóa việc sử dụng ma túy và thử nghiệm các mô hình hiện đại nhằm xóa bỏ các đường dây tội phạm có tổ chức và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người sử dụng ma túy. Báo cáo cũng kêu gọi đưa ra các chính sách dựa trên các phương pháp đã được kiểm chứng là có hiệu quả trong việc giảm thiểu tội phạm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay lập tức, các đề xuất này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi ở nhiều nước trên thế giới. Một tờ báo lớn ở Mexico câu hỏi: Vì cấm đoán mà ma túy trở nên nguy hiểm hay chính vì nó rất nguy hiểm nên phải cấm? Ở Aghentina, một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra tại một hội nghị bàn tròn được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia. Tờ Los Angeles Times dẫn lời các chuyên gia phản đối ý tưởng cho rằng hợp pháp hóa việc kinh doanh một số loại chất gây nghiện sẽ có tác dụng hạn chế bớt lợi nhuận của giới đầu nậu buôn bán ma túy và giảm thiểu được tình trạng bạo lực, bởi vì các băng đảng tội phạm có trăm nghìn kế sách để bù đắp khoản tài chính thất thu kia bằng các thủ đoạn khác như bắt cóc, tống tiền, làm hàng giả, và do đó bạo lực chỉ có tăng mà không bao giờ giảm.

5 năm sau, những tranh cãi về vấn đề này lại được đưa ra tại Kỳ họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS 2016). Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức một phiên họp để đánh giá các chiến lược toàn cầu chống ma túy. Tại đây, các quan chức LHQ và nhiều lãnh đạo thế giới đã đề cập tới một xu hướng tiếp cận mới trong cuộc chiến chống ma túy, đặt con người làm trung tâm.

 

Cần sa được hợp pháp hóa ở một số quốc gia

 

Chưa có hồi kết

Trong Kỳ họp của Đại hội đồng LHQ đã nhất trí cần phải giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu, nhưng cách làm như thế nào lại là vấn đề thể hiện sự khác biệt trong quan điểm của 193 thành viên.

Xu hướng nhiều quốc gia đang nghiêng về là giảm hình sự hóa và tập trung giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng ma túy. Một số lãnh đạo các quốc gia Mỹ Latin cho rằng, nhiều thập kỷ quyết liệt chống ma túy đã thất bại, hủy hoại cuộc sống của hàng nghìn người trên thế giới. Việc trừng phạt, bắt giữ, bỏ tù sẽ chỉ làm nhà tù đầy chật thêm các nạn nhân trong khi điều này không thể khiến người nghiện từ bỏ ma túy.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cho rằng: "Những lệnh cấm bắt đầu từ những năm 70 đã không giảm thiểu được việc sản xuất, buôn bán hay tiêu thụ ma túy. Chúng ta cần có sự linh hoạt nhất định và phải thay đổi những gì không mang lại hiệu quả".

Tổng thống Guantemala Jimmy Morales khẳng định: "Thứ nhất, sức khỏe và phúc lợi xã hội là mục đích ưu tiên trong vấn đề kiểm soát sử dụng ma túy. Vì vậy cần tập trung vào cách tiếp cận nhân đạo, nâng cao sức khỏe cộng đồng, chứ không phải là các biện pháp mang tính trừng phạt. Thứ 2, các chính sách về ma túy nên phù hợp với những tuyên bố chung về nhân quyền, đặt con người vào trung tâm chứ không phải là các chất ma túy".

Trong khi các đại biểu Mỹ Latinh và châu Âu kêu gọi về những chính sách linh hoạt hơn trong cuộc chiến chống ma túy, các nước Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Iran và Nga vẫn kiên trì đường lối cứng rắn là kiên quyết tử hình tội phạm mà túy và phản đối việc hợp pháp ma túy.

Bộ trưởng Nội vụ và Pháp luật Singapore, ông Kasiviswanathan Shanmugam, cho rằng, cách tiếp cận "mềm" như vậy sẽ gây ra tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy tràn lan trên quốc đảo này. Theo ông Shanmugam, với 200 triệu người du lịch qua biên giới Singapore mỗi năm, cách tiếp cận "mềm" thậm chí sẽ hủy hoại cả xã hội Singapore.

Ông Shanmugam nhấn mạnh rằng cách tiếp cận cứng rắn của Singapore đã mang lại kết quả tích cực, và bác bỏ tuyên bố của các đại biểu Mỹ Latinh và châu Âu. Singapore tương đối “sạch” ma túy, và tình hình ma túy đang được kiểm soát", ông Shanmugam nói.  Ông Shanmugam cho biết thêm rằng trong những năm 1990 Singapore đã bắt giữ hơn 6.000 người nghiện ma túy mỗi năm, những năm gần đây, con số này đã giảm xuống còn khoảng 3.000 người/năm. Khoảng 80% của các tù nhân của Singapore đang bị giam giữ vì các tội về ma tuý.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng, chống ma túy giữa các nước là một vấn đề quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở mỗi nước và trên toàn thế giới. Việc xây dựng chính sách phòng, chống ma túy của mỗi nước dựa trên cơ sở, nền tảng chung là các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy (Công ước năm 1961, 1971 và 1988). Một trong những nguyên tắc chung của Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy là các nước tham gia phải cụ thể hóa quy định của các Công ước quốc tế trong hệ thống pháp luật phòng, chống ma túy của nước mình, bảo đảm tính đồng bộ giữa Công ước quốc tế và pháp luật của mỗi nước.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về giải pháp chống ma túy hiện vẫn chưa có hồi kết. Các quốc gia sẽ có những giải pháp riêng tùy vào hoàn cảnh của họ. Thực tế chứng minh chính sách chống ma túy trong những năm qua đã nhiều xu hướng khác với LHQ. Một số quốc gia như Bồ Đào Nha đã chuyển hướng sang xóa bỏ kết án về ma túy, nhất là án tử hình và thậm chí hợp pháp hóa cần sa cũng như tập trung vào việc giảm thiểu tác hại. Trong khi tình hình sản xuất và vận chuyển ma túy đang tạo ra một “bản đồ ma túy” mới trên toàn cầu, có giải pháp nào để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu? - sẽ vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

 

“Việt Nam cho rằng các khuôn khổ kiểm soát ma túy toàn cầu hiện nay được quy định tại 3 Công ước Liên Hợp Quốc cần tiếp tục đóng vai trò nền tảng của hệ thống kiểm soát ma túy toàn cầu. Việt Nam ủng hộ quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực và thế giới không ma túy. Các giải pháp giải quyết vấn đề ma túy cần được cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy, đồng thời chú trọng vào hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy”, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại UNGASS 2016.