Hoà bình ở Aceh, bạo lực ở Sri Lanka
Các Website khác - 26/12/2005
Hoà bình ở Aceh, bạo lực ở Sri Lanka

Kamaruzzaman - một thời là nhà đàm phán của phiến quân Aceh, giờ hợp tác với các quan chức Chính phủ Indonesia. Còn tại Sri Lanka, bạo lực tiếp tục nổ ra, khiến người ta lo ngại rằng thoả thuận ngừng bắn giữa chính phủ với phiến quân ly khai Hổ Tamil sẽ bị huỷ bỏ.

Một người Tamil đến viếng nghĩa
trang nạn nhân sóng thần ở
Jaffna (Sri Lanka).

Hy vọng...

Ông Kamaruzzaman nói: "Sóng thần đã khiến cả hai bên thay đổi quan điểm của mình. Không có sóng thần thì điều đó cũng vẫn diễn ra thôi, nhưng sóng thần là một yếu tố quan trọng".

Trước khi thảm hoạ đổ vào bờ biển Aceh, 4,5 triệu dân ở tỉnh Hồi giáo này đã phải chịu gánh nặng đau khổ: 15 nghìn người thiệt mạng trong phong trào đòi ly khai của chính họ từ năm 1976 đến nay. Nhưng sóng thần còn gây ra hậu quả khủng khiếp hơn bất kỳ những gì người Aceh đã trải qua: Thảm hoạ cướp đi sinh mạng của hơn 130 nghìn người Aceh. Sau sóng thần, cả Phong trào Aceh Tự do (GAM) đòi ly khai và chính phủ buộc phải xem lại quan điểm của mình.

"Sóng thần đã tạo cho hai bên thấy rằng, hoà bình và yếu tố nhân đạo là điều cấp thiết hơn hết cho người dân đã phải chịu đựng quá nhiều" - ông Farid Hussain - một nhà đàm phán của chính phủ - nói.

Hai bên đã ký Hiệp định Hoà bình ngày 15.8.2005 tại Helsinki (Phần Lan), trong đó GAM từ bỏ điều kiện đòi độc lập và cam kết giao nộp vũ khí. Chính phủ đồng ý rút hết lực lượng cảnh sát và quân sự không phải của địa phương vào cuối năm nay, ân xá cho các chiến binh GAM và cho phép họ thành lập các đảng chính trị.

... và bất bình
Ngay sau khi sóng thần xảy ra, những tia hy vọng hoà bình đã le lói nhưng rồi lại nhanh chóng bị dập tắt khi Chính phủ Colombo và phiến quân Hổ Tamil bất đồng về việc chia sẻ hàng triệu USD tiền cứu trợ.

"Các nhà lãnh đạo Sri Lanka đã hành động với ý đồ xấu" - một đại diện của Hổ Tamil phát biểu khi buộc tội Toà án Tối cao Sri Lanka đã ngăn chặn thoả thuận chia sẻ tiền cứu trợ.

Rồi, ngày 12.8, Ngoại trưởng Lakshman Kadirgamar bị ám sát. Chính phủ buộc tội phiến quân gây ra vụ này, còn các nhà quan sát quốc tế lo ngại sự thù địch sẽ trở lại giữa hai bên.

Phiến quân Hổ Tamil đã ra điều kiện rằng, cho đến cuối năm 2005, Chính phủ của tân Tổng thống Rajapakse hoặc phải đưa ra được một thoả thuận chính trị hợp lý, hoặc tiếp tục đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến tranh đòi độc lập hoàn toàn.

Nhưng thời hạn chót này đã bị chính phủ bác bỏ. Cả hai bên đang buộc tội lẫn nhau. Một chính trị gia của Hổ Tamil nhận xét: "Sóng thần lúc đầu đã đưa người Tamil, người Hồi giáo, người Sinhal xích lại gần nhau, nhưng với các chính trị gia thì không. Đối với các nhà chính trị chúng tôi, ngay cả sóng thần cũng là một trò chơi chính trị".

Vĩnh Nguyên (Theo AFP)

Kỷ niệm một năm thảm hoạ sóng thần

Phuket - thiên đường hồi sinh

Hoà bình ở Aceh, bạo lực ở Sri Lanka

Triển khai hệ thống cảnh báo sớm thiên tai

Mừng bé Tsunami tròn 1 tuổi

Việt Nam từng hứng chịu thảm hoạ sóng thần?