Làn sóng hy vọng
Các Website khác - 26/12/2005
Hôm nay (26.12), thế giới kỷ niệm một năm thảm hoạ sóng thần:
Làn sóng hy vọng


Một năm đã qua, kể từ trận sóng thần khủng khiếp ngày 26.12.2004 khiến gần 216 nghìn người thiệt mạng hoặc mất tích ở các quốc gia duyên hải Ấn Độ Dương. Trong khi Phuket (Thái Lan) đã hồi sinh ngoạn mục, thì Aceh của Indonesia vẫn trong cảnh hoang tàn. Sóng thần đã tác động vô cùng mạnh mẽ, khiến chính quyền Indonesia ký kết thoả thuận hoà bình, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang ở Aceh, nhưng cảnh nồi da xáo thịt vẫn còn ở Sri Lanka. Một năm trôi qua, mặc dù vấp phải nhiều thất vọng, song người dân ở những vùng đất bị sóng thần tàn phá tiếp tục cuộc sống với những hy vọng...

Phuket - thiên đường hồi sinh
Chiến Thắng (từ Phuket, Thái Lan)


Nụ cười trở lại với những em bé bị
mất cha, mẹ trong đợt sóng thần.

Chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 1 năm ngày xảy ra trận sóng thần ngày 26.12.2004 tại Phuket, người ta treo dọc bãi biển Patong những bức ảnh mô tả quang cảnh tan hoang và thảm khốc khiến hơn 5.000 người thiệt mạng. Nếu không có những tấm ảnh này, chẳng ai nghĩ rằng Phuket là một trong những nơi hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp nhất của sóng thần.

Không còn chỗ trống
Lần đầu tiên tôi đến Phuket - hòn đảo phía nam của Thái Lan - là đúng nửa năm sau khi sóng thần xảy ra. Ngay từ hồi đó, diện mạo của Phuket đã được phục hồi nhanh chóng so với những gì tôi tưởng tượng. Không hề thấy những ngôi nhà đổ nát. Tất cả đã được dọn dẹp sạch sẽ. 350.000 phòng khách sạn bị phá huỷ đã ngay lập tức được xây mới. Nhưng du khách thì vẫn còn e ngại. Chiếc Boeing 717 hơn 100 chỗ ngồi của Hãng Bangkok Air mà tôi đi mặc dù đã phải trì hoãn 2 lần để dồn khách mà vẫn còn thừa nhiều ghế.

Bây giờ thì khác. Chiếc máy bay Boeing 777 - 300 chỗ của Thai Airways chật cứng. Bạn tôi ở Bangkok thậm chí còn không đặt được vé để tới Phuket sớm theo kế hoạch mà anh dự định.

Ông Masami, người Nhật - trồng
cây hy vọng ở Aceh (Indonesia)
(chụp 25.12).

Lúc đầu, tôi nghĩ khách đến đông là do đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm sóng thần. Nhưng sau này khi đi tìm phòng nghỉ, tôi mới biết mình nhầm. Nhiều khách sạn đã kín chỗ cho tới tận 15.1.2006. Thậm chí, những nhà nghỉ dọc bờ biển đã kín lịch tới tận tháng 2.

Với tấm bản đồ khách sạn trong tay, tôi đi khắp bờ biển Patong từ 19 giờ đến 23 giờ mới tìm được một chỗ trọ nho nhỏ, với giá "ưu đãi" là 1.300 baht/đêm (khoảng 512.000 đồng), nhưng với điều kiện là tôi phải trả phòng sau 2 đêm, bởi vì ngày tiếp theo đã có khách đặt trước rồi.

Ông Suranand Vejjajiva - Bộ trưởng phụ trách vấn đề tổ chức lễ tưởng niệm sóng thần - cho biết: "Phuket đã hồi phục hoàn toàn, cả trên khía cạnh tái thiết lẫn lượng du khách".

Theo ông Suranand, sau sóng thần, mỗi tháng kinh tế của Phuket bị thiệt hại ít nhất 25 triệu USD. Với chương trình "Phuket hồi sinh", trong đó có lễ tưởng niệm mà chính phủ đang phát động, Thái Lan dự kiến sẽ thu hút 12 triệu du khách trong năm 2005. Nếu so với con số 14 triệu du khách mà Phuket hấp dẫn trước khi sóng thần xảy ra, thì đây quả là một nỗ lực đáng khâm phục.

Tưởng nhớ những nạn nhân
sóng thần ở Phuket.
Mùa cao điểm
Một điểm khác biệt dễ nhận thấy ở bãi biển Patong năm nay, đó là những cột loa phóng thanh cao vút được bố trí ở bờ biển. Chính phủ Thái đã lắp đặt một hệ thống cảnh báo sóng thần hiện đại ở ngoài khơi để truyền tín hiệu qua các loa phóng thanh trên nếu biển động bất thường. Dọc bãi biển Patong còn có các tấm biển chỉ dẫn hướng và lối di chuyển khẩn cấp trong trường hợp sóng thần xảy ra.

Năm nay, "thương hiệu" Tsunami được tận dụng tối đa. Trước cửa một quán bar ở Bang La, thay vì bố trí các cô gái uốn éo chào mời như mọi khi, người ta dựng một màn hình lớn và phát những đoạn băng video của các tay quay nghiệp dư về cảnh sóng thần. Ai cũng dừng bước lại xem. Cứ 10 người đứng lâu trước cửa, chỉ cần 2 người quá bộ vào quán là đủ.

Ở một cửa hàng khác, ông chủ tiệm treo biển "Tsunami Tattoo". Tattoo là săm hình lên cơ thể. Rồi thì áo phông cũng "Tsunami", mũ cũng "Tsunami". Có cả những tấm ảnh chụp "Tsunami" được rửa khổ lớn, ép plastic và bán 100 baht/tấm (40.000đ).

Em bé thả thuyền ở nơi mà cách đây
1 năm, thảm hoạ sóng thần đã
xảy ra.

Có lẽ, những quang cảnh đau buồn về Tsunami đã lùi vào quá khứ. Giờ đây, người ta coi "Tsunami" là biểu tượng gắn liền với Phuket? Hỏi chuyện những người Thái, họ cũng không muốn nhắc tới những mất mát mà họ phải trải qua một năm trước đây.

Đêm Giáng sinh, tôi và những đồng hương người Việt quây quần ngồi tại một quán ăn của một chị gốc Việt tên là Num. Không phải chúng tôi cố tình đón Giáng sinh, mà hôm nào cũng vậy, phải 12 giờ đêm, mọi người mới xong việc và đây mới là lúc họ rảnh để có thể ngồi tâm sự với tôi. Chị Num mặt tươi cười, mặc một cái áo phông trắng sau lưng in những dòng chữ đầy dằn dỗi:

2001: Terrorism (khủng bố). 2002: Bombs (đánh bom). 2003: Bird flu (cúm gà). 2004: Tsunami. What's next (cái gì nữa đây).

Tôi hỏi chị là năm 2005 thì nên điền chữ gì cho phù hợp. Chị Num cười tít mắt và nói rất nhanh: "Prosper" (phát đạt). Chắc chị đã điền sẵn từ trước đó rất lâu rồi.

* Hơn 800: Số xác nạn nhân sóng thần vẫn chưa xác định được danh tính ở Thái Lan.
*2.800: Số người bị liệt vào danh sách mất tích ở Thái Lan.
*5.600: Số người bị liệt vào danh sách mất tích ở quần đảo Andaman và Nicobar.
*500.000: Số người hiện vẫn đang sống trong các trại tị nạn ở Aceh (Indonesia).
*835.000: Số người bị mất nhà ở tại Sri Lanka.
*1.000.000: Số việc làm bị mất do sóng thần.
*600.000: Số việc làm được tạo ra trong năm 2005.
*1,4 triệu: Số người sẽ khôi phục lại được đời sống như mức trước sóng thần, vào năm 2007.
*1,67 tỉ USD: Số tiền mà Ấn Độ chi cho tái thiết các địa phương bị sóng thần tàn phá.
* 6,7 tỉ USD: Số tiền mà các chính phủ cam kết viện trợ cho các nước bị sóng thần, nhưng mới chỉ có 550 triệu USD (9%) được trao cho các nạn nhân.

Nguồn: BBC

Kỷ niệm một năm thảm hoạ sóng thần

Phuket - thiên đường hồi sinh

Hoà bình ở Aceh, bạo lực ở Sri Lanka

Triển khai hệ thống cảnh báo sớm thiên tai

Mừng bé Tsunami tròn 1 tuổi

Việt Nam từng hứng chịu thảm hoạ sóng thần?