Hội đàm 4 bên tháo gỡ bế tắc hạt nhân Triều Tiên
Các Website khác - 06/09/2008
Các phái viên cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, hôm nay (5/9), nhóm họp ở Bắc Kinh để bàn về thế bế tắc đang ngày một tồi tệ liên quan đến chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Cuộc họp được triệu tập sau khi Bình Nhưỡng có một số hành động được xem là đi ngược lại cam kết giải trừ hạt nhân.

Hôm 3/9, Hàn Quốc cho biết, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu di chuyển các bộ phận được tháo rời ở lò phản ứng hạt nhân Yongbyon tới cơ sở sản xuất plutonium của nước này, biến thành hành động lời đe dọa khôi phục các cơ sở nguyên tử đã bị vô hiệu hóa một phần theo thỏa thuận giải giáp hạt nhân.

Chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố, Washington đã không thực thi nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận - cam kết sẽ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố sau khi quốc gia này tuân thủ yêu cầu giải giáp.

Hôm nay, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, ông Kim Sook, đã tới Bắc Kinh để tham dự hội đàm.

"Tôi sẽ gặp những người đồng nhiệm đến từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để thiết lập một quan điểm thống nhất về tình hình hiện nay và thảo luận các biện pháp giải quyết", ông Kim nói với các phóng viên. "Tôi hy vọng bế tắc sẽ được khai thông và CHDCND Triều Tiên sẽ nối lại" các bước giải giáp.

Phái viên hạt nhân Kim Sook của Hàn Quốc phát biểu tại Bộ Ngoại giao ở Seoul trước khi lên đường tới Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Cuộc họp diễn ra ở Bắc Kinh bởi vì Trung Quốc là nước chủ trì các cuộc hội đàm sáu bên về hạt nhân CHDCND Triều Tiên.

Phái viên Kim nói rằng ông không biết liệu đại diện hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là Kim Kye Gwan có tới Bắc Kinh hay không.

Ông cũng không có thông tin về việc liệu Bình Nhưỡng có làm gì thêm để xóa bỏ các bước giải giáp, ngoại trừ việc chuyển thiết bị ra khỏi kho và đặt chúng gần lò phản ứng nguyên tử tại Yongbyon.

Trong khi đó, Mỹ đã lên tiếng giảm nhẹ động thái mới của CHDCND Triều Tiên, nhấn mạnh rằng nước này chỉ di dời một số thiết bị ra khỏi kho và vẫn chưa bắt tay vào việc "phục hồi và đưa thiết bị trở lại cơ sở hạt nhân".

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), CHDCND Triều Tiên cần có thời gian mới có thể phục hồi các cơ sở hạt nhân sang trạng thái hoạt động bởi vì chúng đã bị dỡ bỏ các thiết bị "cốt yếu". Còn theo các nhà chức trách Mỹ và Hàn Quốc, nước này cần tới một năm mới tái khởi động được các cơ sở hạt nhân một khi chúng đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Hồi tháng 10/2006, Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Sau đó, nước này đồng ý với Mỹ và bốn quốc gia khác là sẽ giải giáp cơ sở Yongbyon để đổi lấy viện trợ và các ưu đãi về ngoại giao. Cam kết này được bắt đầu thực hiện vào tháng 11 năm ngoái.

Theo Thanh Hảo
vietnamnet