Thái Lan bất ổn: Vốn đầu tư sẽ chảy sang nước khác?
Các Website khác - 06/09/2008

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan được cho là đang và sẽ ảnh hưởng khá mạnh tới kinh tế nước này.  Về đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đang có ý định vào quốc gia này đều đang phải cân nhắc kỹ lại quyết định của mình.

Còn đối với các nhà đầu tư cũ, liệu có khả năng sẽ có một làn sóng rút vốn ra khỏi Thái Lan để chuyển sang các nước khác?

Đầu tư dài hạn sẽ chảy sang các nước khác?

Theo một số quan chức trong ngành dịch vụ tài chính Thái Lan, bất ổn chính trị mới chỉ gây ảnh hưởng nhỏ tới cộng đồng tài chính tại đây nhưng biểu tình kèm theo bạo lực có thể ảnh hưởng tới sức hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn.

“Chúng tôi phải huỷ một vài cuộc họp nhưng công việc hằng ngày vẫn duy trì được 95% so với ngày thường,” một quan chức có tiếng trong ngành dịch vụ tài chính cho biết.

Dù các nhà đầu tư đang hoạt động chưa có ý định rời khỏi Thái Lan nhưng bức tranh không mấy sáng sủa này có thể khiến những nhà đầu tư mới phải cân nhắc nhiều hơn nếu họ muốn đầu tư vào đây, vị này cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại nước ngoài tại Thái Lan (Joint Foreign Chambers of Commerce in Thailand), hiện đang đại diện cho 10.000 doanh nghiệp nước ngoài tại đây, ông Nandor von der Luehe cũng cùng quan điểm trên.

Tuy nhiên, ông Nandor von der Luehe cho rằng khả năng rút vốn đã đầu tư tại Thái Lan chuyển sang các nước khác là khó xảy ra.

khunghoangTL
Các doanh nghiệp nước ngoài rất thích đầu tư vào du lịch tại Thái Lan. (Ảnh: Investmentsworldwide)

Trước tình hình chính trị khá rối ren hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan kêu gọi người biểu tình kiềm chế để tránh tổn hại cho tương lai kinh tế đất nước trong khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không khỏi lo lắng về hình ảnh của đất nước Thái Lan trong mắt đối tác nước ngoài sẽ xấu đi.

Rất nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là từ Canada, đầu tư vào Thái Lan trong những năm gần đây tỏ ra khá lo lắng trước tình hình này. Tập đoàn bảo hiểm Manulife Financial thành lập một đơn vị quản lý tài sản tại Bangkok cách đây gần 2 năm từ chối bình luận về tình hình này tại Thái Lan.

Ngân hàng Nova Scotia của Canada đã đầu tư 240 triệu USD để mua 25% cổ phần tại Ngân hàng Thanachart, ngân hàng thương mại lớn thứ 8 tại Thái Lan với hơn 150 chi nhánh và 6.600 nhân viên.

“Bất ổn chính trị không phải là vấn đề quá bất ngờ khi đầu tư vào các thị trường mới nổi có mức tăng trưởng cao,” ông Brendan King, Giám đốc bộ phận phát triển khách hàng doanh nghiệp tại Châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Scotiabank nói. Theo ông King, ngân hàng của ông sẽ tiếp tục theo dõi tình hình ở Bangkok.

“Cho đến nay, chúng tôi hài lòng về khoản đầu tư vào Ngân hàng Thanachart và chúng tôi cảm thấy rằng các yếu tố cơ bản tại Thái Lan hiện nay tốt. Chúng tôi tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn và với kinh nghiệm hơn 100 năm hoạt động tại các thị trường đang phát triển, chúng tôi tin tưởng vào sự thành công về khoản đầu tư tại Ngân hàng Thanachart", vị đại diện Ngân hàng Nova Scotia nói.

Chứng khoán Thái Lan đã giảm hơn 25%

Thị trường chứng khoán Thái Lan đã giảm 25% kể từ khi bất ổn chính trị diễn ra. Đồng baht của Thái Lan cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Trong khi đó, Tổ chức định giá tín nhiệm hàng đầu trên thế giới Standard and Poor’s đang cân nhắc việc hạ mức tín nhiệm về triển vọng kinh tế của nước này từ “ổn định” xuống “tiêu cực.”

“Bạo lực ngày càng lan rộng có thể buộc chúng tôi phải hạ mức tín nhiệm xuống mức tiêu cực vì tình hình bạo lực ngày càng trở nên khó lường và tạo ra sự bất ổn chính trị sâu sắc, chuyên gia phân tích Elena Okorotchenko của S&P cho biết.

Ngân hàng Lehman Brothers cũng tỏ ra rất thận trọng đối với tình hình tại Thái Lan do lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của bất ổn chính trị lên nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan được cho là đang và sẽ ảnh hưởng khá mạnh tới kinh tế nước này. (Ảnh: Economist)

Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại rằng đình công có thể nổ ra tại các nhà máy do nhà nước quản lý. Nếu điều này xảy ra, bức tranh kinh tế của Thái Lan càng trở nên u ám.

Theo giám đốc một công ty quản lý quỹ phòng hộ tại Hồng Kông, kinh doanh tại châu Á tại thời điểm hiện tại đồng nghĩa với việc chấp nhận đối mặt với bất ổn chính trị.

“Tôi coi Thái Lan là một minh chứng cho các chính phủ yếu và dễ đổ vỡ tại Đông Nam Á như Philippines và Malaysia, đấy là chưa kể tới tình hình bất ổn tại Nhật do Thủ tướng nước này vừa từ chức. Các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua, và hệ luỵ của nó là sự bất ổn trong chính trị."

Theo Hà Linh
vietnamnet