Indonesia: Nỗ lực xóa các “khu đèn đỏ”
Báo Tiếng chuông - 01/06/2016
Mặc dù mại dâm bị coi là bất hợp pháp tại Indonesia và vô đạo đức trong mắt của nhiều người, nhưng ngành buôn bán tình dục vẫn tiếp tục nở rộ, đặc biệt tại Thủ đô Jakarta của nước này.

Jakarta  là nơi hoạt động của ít nhất 11.860 gái mại dâm, trong đó, 3.435 người hoạt động tại trung tâm thành phố, theo dữ liệu năm 2014 của Ủy ban Phòng chống AIDS Jakarta. Tuy nhiên, số lượng thực tế còn cao hơn nhiều, do dữ liệu hiện không tính đến những mại dâm nam và người chuyển giới.

Hoạt động mại dâm bị chỉ trích nặng nề tại quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống này và cũng là nguy cơ tiềm ẩn tội phạm, từ buôn người đến khiêu dâm, rửa tiền và các tội phạm khác. Tuy nhiên, hiện tại nước này chưa có luật cụ thể để trừng phạt hành vi đó, nên họ chỉ phải đối mặt với pháp lý khi hành vi có liên quan đến tội phạm khác.

Vì thế, ngành kinh doanh tình dục vẫn nở rộ ở các thành phố như Jakarta và Surabaya.

Trong một nỗ lực để ngăn chặn nạn mại dâm, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề xã hội Khofifah Indar Parawansa tuyên bố vào tháng 2/2016 rằng, đến năm 2019 Indonesia sẽ loại trừ được tệ nạn này và tất cả các “khu đèn đỏ” ở nước này sẽ bị đóng cửa. Ước tính, khoảng 100 khu như vậy nằm rải rác trên khắp đất nước.

Vài ngày sau tuyên bố trên, “khu đèn đỏ” lâu đời nhất Jakarta tên Kalijodo đã bị phá hủy. Nhưng điều đó có vẻ không ngăn được ngành công nghiệp tình dục tự phát, nhiều gái mại dâm đã chuyển đi nơi khác hoặc hoạt động trực tuyến. 

 

Diện mạo mới của Gang Dolly hay Dolly Lane, từng được xem là “khu đèn đỏ” lớn nhất ở Đông Nam Á đã bị đóng cửa năm 2014.

 

Với ý định đóng cửa các “khu đèn đỏ”, Bộ Các vấn đề xã hội Indonesia đang tìm cách trợ giúp những gái mại dâm có thể bị ảnh hưởng. Mỗi người sẽ được hỗ 5,05 triệu rupee (380 USD) và Chính phủ hy vọng sẽ khuyến khích họ trở về quê hương kiếm sống, hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng. Bộ Các vấn đề xã hội Indonesia cũng đã cung cấp hoạt động đào tạo nghề cho khoảng 600 gái mại dâm ở 4 tỉnh hồi năm ngoái. 

Nhưng điều này có lẽ là không đủ. “Tôi đồng ý với việc đóng cửa các “khu đèn đỏ”, nhưng đừng làm điều đó mà không có một kế hoạch dự phòng”, Giáo sư, Tiến sĩ Adrianus Meliala thuộc Ombudsman, một tổ chức độc lập điều tra cáo buộc quản lý yếu kém trong các dịch vụ công ở Indonesia cảnh báo. Theo Giáo sư Meliala, Nhà nước nên chuẩn bị cho người bán dâm một cuộc sống mới trước khi họ bị trục xuất khỏi các “khu đèn đỏ”, bằng cách tạo công ăn việc làm để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình.

Thực ra, ý tưởng đóng cửa vĩnh viễn “khu đèn đỏ” không phải mới ở Indonesia. Năm 2014, gần 1.500 gái mại dâm ở Surabaya đối mặt với việc bị trục xuất khi Gang Dolly hay Dolly Lane, một mạng lưới những con hẻm nhỏ, từng được xem là “khu đèn đỏ” lớn nhất ở Đông Nam Á đã bị đóng cửa.