Ngày 29-4 đánh dấu 100 ngày ông Barack Obama làm tổng thống. Người ta bắt đầu “soi” những mặt được và chưa được của vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.
![]() |
Tổng thống Obama tỏ ra thoải mái với quả bóng dành tặng ông trong buổi lễ tại Nhà Trắng hôm 23-4 - Ảnh: Reuters |
Không thể phủ nhận những mặt được có phần “nhỉnh” hơn. Trong đối nội, Tổng thống Obama đã khéo trấn an dân chúng, thúc đẩy niềm tin và hi vọng vào tương lai. Trên phương diện đối ngoại, theo nhiều nhà quan sát, tổng thống mới biết đặt mình vào cương vị người khác, biết lắng nghe và biết thuyết phục. Những phẩm chất này thích hợp với một thế giới đã biến đổi sâu sắc, vào lúc nước Mỹ đang đối phó với cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và về vị thế Mỹ trên thế giới.
Do phải dành ưu tiên cao nhất cho việc giải quyết khó khăn kinh tế, tổng thống mới cần có nhãn quan, cách tiếp cận mới và thái độ hòa hoãn trong quan hệ quốc tế. Tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ngày 18 và 19-4, “phong cách mới” này của ông đã giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa nhiều quốc gia Mỹ Latin và Mỹ, mang lại “tinh thần hợp tác mới” trong quan hệ liên Mỹ.
Trên đường định hình và triển khai chính sách đối ngoại mới, chính quyền Obama thực hiện những bước đi thận trọng, có mặt kế thừa, có mặt đột phá. Nền ngoại giao của chính quyền mới thể hiện tăng cường can dự, phát huy “quyền lực mềm” và thực dụng.
Chính quyền Obama điều chỉnh chính sách đối với các vấn đề “nóng”, từ giải pháp Iraq, Afghanistan - Pakistan, Israel - Palestine đến vấn đề hạt nhân Iran, CHDCND Triều Tiên..., cố gắng đạt sự cân bằng những ưu tiên trước mắt với các mục tiêu chiến lược dài hạn. Với thế giới Ả Rập và Hồi giáo, ông chìa “cành ôliu” hòa bình, cam kết “lắng nghe, giải tỏa những bất đồng và tìm kiếm nền tảng chung bằng thái độ tôn trọng”.
Đối với các đồng minh phương Tây, nổi bật tại hội nghị thượng đỉnh G-20 London và qua chuyến thăm châu Âu đầu tháng 4, ông đã giải tỏa nhiều vướng mắc và bất mãn do chủ nghĩa đơn phương của chính quyền Bush gây ra. Mặt khác, Mỹ tìm cách củng cố hạt nhân nòng cốt của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang bị chao đảo trong cơn bão lớn kinh tế tài chính. Tại cuộc gặp thượng đỉnh NATO và EU, ông Obama đề ra chủ thuyết mới “chia sẻ trách nhiệm” nhằm phối hợp đồng minh giải quyết các vấn đề toàn cầu và xử lý một số điểm nóng.
Với các nước lớn đối thủ - đối tác hàng đầu, Mỹ tiếp tục chủ trương vừa hợp tác vừa kiềm chế. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Chính quyền Obama tiếp tục hòa hoãn, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, thuyết phục Trung Quốc mua thêm trái phiếu của Mỹ. Mặt khác, chính quyền Mỹ tìm cách đối phó với các thách thức mới từ sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như ngay tại “sân sau” của Mỹ ở tây bán cầu.
Điểm nổi bật trong cách tiếp cận mới của Tổng thống Obama là chủ trương can dự vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái đất. Ông Obama nhấn mạnh “quốc gia nào đi tiên phong trong việc tạo ra các nguồn năng lượng mới sẽ đứng đầu kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21”.
Ông Barack Obama tỏ rõ quyết tâm khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ. Ông đã có 100 ngày “trăng mật” với thế giới. Tuy vậy, trên những xa lộ đa chiều của quan hệ quốc tế hiện đại, nền ngoại giao Mỹ đang gặp phải khá nhiều phản kháng và thách thức. Các nước liên quan không ngần ngại thử thách chính quyền mới, đặt vào các “giỏ” sáng kiến đối ngoại mới của Mỹ nhiều đề nghị gai góc.
Rồi đây khi các cuộc khủng hoảng quốc tế xảy ra, nền ngoại giao của Mỹ dưới chính quyền Obama mới thật sự phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn nhất. Ngoài ra, ngoại giao Mỹ sẽ thành công đến mức nào còn tùy thuộc việc khôi phục sức mạnh của nước Mỹ, vào khả năng khắc phục khủng hoảng và phục hồi kinh tế mà hiện thời mới chỉ thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm.
100 ngày qua chỉ là khúc dạo đầu.
Báo Courrier International (Pháp) trong số đề ngày 16 đến 22-4-2009 đã làm một chuyên đề về 100 ngày của Tổng thống Obama, tập hợp các dư luận Mỹ và nước ngoài. Đáng chú ý là hai trong số bốn nhận xét sau: Một là, giới quan sát trách cứ Obama là có phần ngẫu hứng nhất định được thể hiện qua những sai lầm của ông trong việc chọn người. Điển hình như việc chọn Timothy Geithner người “quên” nộp thuế làm bộ trưởng tài chính hẳn là một bằng chứng cho thấy tham vọng muốn xây dựng một chính quyền “sạch” của ông Obama chỉ là ngoài mặt. Nhận định này có phần đúng: ông Obama tin vào những người bao quanh ông đến mức đôi khi ông không kiểm tra họ. Hai là, ông Obama chưa cải tổ được gì nhiều. Nhận xét này xuất phát từ chính nhiều nhà kinh tế học gần gũi với phe Dân chủ như GS Joseph Stiglitz và Paul Krugman. Theo họ, ông Obama đã bỏ mất cơ hội lịch sử để làm sạch hệ thống tài chính Mỹ (và thế giới) do quá tin cậy vào Geithner vốn xuất thân từ Wall Street, tức là “giao trứng cho ác”. PV |
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
▪ Diễn viên 'Hoàng cung' xài ma túy (27/04/2009)
▪ Mỹ: Nhà Trắng, Quốc hội sơ tán vì máy bay xâm nhập (25/04/2009)
▪ Quan hệ Trung – Nhật lại 'lạnh' vì ngôi đền Yasukuni ? (25/04/2009)
▪ 10 thần đồng “siêu” nhất thế giới (2) (22/04/2009)
▪ Uganda : Xe cứu thương cộng đồng (17/04/2009)
▪ Nhiễm HIV/AIDS vì... Viagra (06/03/2009)
▪ Bắt giữ kẻ gửi máu nhiễm HIV cho Obama (Tổng thống Mỹ) (02/03/2009)
▪ Lính Mỹ có thể rút khỏi Iraq trong vòng 19 tháng (25/02/2009)
▪ Kết quả nào cho cuộc gặp Obama-Aso? (25/02/2009)
▪ Thái Lan trong vòng xoáy đỏ (25/02/2009)