“Khi tôi đến đây, chỉ nhìn thấy mọi người nhiễm HIV/AIDS đến những trung tâm điều trị có trang thiết bị nghèo nàn, thiếu thốn thuốc men, không một biện pháp tuyên truyền nào được đưa ra để mọi người hiểu và phòng chống căn bệnh này. Người nhiễm bệnh chỉ biết cách chờ chết”, bác sĩ Paul Williams - một bác sĩ đa khoa tại vùng Đông Bắc Anh và là một thành viên của tổ chức phi chính phủ “Vì châu Phi” được điều động đến Bwindi - nói.
Trước thực tế đau lòng đã xảy ra tại Bwindi, Uganda, sau khi tiếp nhận công việc tại Bwindi, nhận thấy hoàn cảnh khó khăn hiện tại, ông Williams đã bắt tay thực hiện “cuộc cách mạng điều trị AIDS” tại một trong những địa phương nghèo nàn nhất ở Uganda.
Nhờ vào sự đóng góp của những đồng nghiệp tại Anh, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương, tại Bwindi đã hình thành một đội xe y tế lưu động có quy mô nhỏ, còn gọi là xe cứu thương cộng đồng. Đội xe bắt đầu khởi hành từ sáng và thường trở về bệnh viện vào lúc chiều tối. Trên đội xe là 1 đến 2 bác sĩ, thuốc men, dụng cụ tránh thai và bộ dụng cụ lấy máu để thực hiện xét nghiệm.
Bộ dụng cụ có tên gọi là PointCare NOW, có thể in kết quả xét nghiệm máu trong 10 phút, với thủ tục nhanh chóng, tiện lợi. Mỗi ngày, những chiếc xe cứu thương sẽ băng qua những khu vực hẻo lánh tại Bwindi, nơi người dân không thể tiếp cận với những phương pháp điều trị sức khỏe tại các bệnh viện vì quá xa.
Người dân được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể các biện pháp ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm và lây lan ngoài cộng đồng. Và điều quan trọng hơn nữa là nhờ các biện pháp tuyên truyền tích cực của “xe cứu thương cộng đồng”, nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã không còn sống trong nỗi lo sợ và sự mặc cảm vì bị kỳ thị đối xử.
Một thời gian ngắn sau, Bệnh viện Cộng đồng Bwindi (BCH) đã được trang bị đầy đủ thuốc men, giường bệnh và một phòng xét nghiệm máu để phát hiện bệnh AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác. Hiện nay, BCH đang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 40.000 người dân địa phương và cung cấp thuốc men cho 1.000 bệnh nhân nhiễm HIV.
Công tác chăm sóc sức khỏe của Uganda trong những năm 1960-1970 đã được xếp vào loại tốt nhất Nam Sahara châu Phi. Nhưng do tình hình chính trị không ổn định khiến nền y tế sa sút, hiện nay, Uganda đang phải đương đầu với căn bệnh HIV/AIDS, với số lượng hàng ngàn người chết mỗi năm. Cuối năm ngoái, Ủy ban AIDS Uganda đã bắt đầu triển khai một kế hoạch mang tính chiến lược trong phòng chống AIDS với mục tiêu làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV hàng năm xuống 40%.
Với tổng trị giá 2 tỷ USD, kế hoạch này sẽ được triển khai trong vòng 5 năm (2008-2012), tập trung chủ yếu vào việc tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS tại Uganda. David Kihumuro, Giám đốc Ủy ban AIDS Uganda cho biết, mục tiêu của kế hoạch này là làm giảm số ca nhiễm HIV hàng năm từ 160.000 xuống còn 100.000 vào năm 2012, đồng thời, nâng cao số người được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus từ 91.500 người lên 240.000 người trong vòng 4 năm tới.
Phương Nam (Theo BBC, THX)
▪ Nhiễm HIV/AIDS vì... Viagra (06/03/2009)
▪ Bắt giữ kẻ gửi máu nhiễm HIV cho Obama (Tổng thống Mỹ) (02/03/2009)
▪ Lính Mỹ có thể rút khỏi Iraq trong vòng 19 tháng (25/02/2009)
▪ Kết quả nào cho cuộc gặp Obama-Aso? (25/02/2009)
▪ Thái Lan trong vòng xoáy đỏ (25/02/2009)
▪ Dân châu Á vẫn thích báo giấy (25/02/2009)
▪ 30 ngày đầu tiên của Obama (25/02/2009)
▪ Chùm tin vắn qua ảnh (24/02/2009)
▪ Condoleezza Rice viết hồi ký (24/02/2009)
▪ Giải thoát gần 50 gái mại dâm trẻ em (24/02/2009)