Hội nghị cấp cao (HNCC) thường kỳ lần thứ sáu của Liên minh châu Phi (AU) họp tại Khartoum (Sudan) ngày 23 và 24-1 tới là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận châu Phi và quốc tế.
HNCC này sẽ thúc đẩy ngay từ đầu năm sự phát triển hòa bình và an ninh trên lục địa châu Phi. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước châu Phi trong năm 2005 tiếp tục có thêm những biến chuyển mạnh hướng tới hòa bình và phát triển. Tuy nhiên, châu Phi vẫn còn nhiều bất ổn, nhiều thách thức gay gắt, một số cuộc khủng hoảng kéo dài chưa được giải quyết, bên cạnh một số nước châu Phi phát triển, còn nhiều nước đói nghèo, chưa theo kịp đà phát triển chung trên thế giới.
AU, trước đây là Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU), thành lập năm 1963 với mục tiêu tăng cường đoàn kết và hợp tác về chính trị và kinh tế giữa các nước trên lục địa. Năm 2002, OAU nhất trí đổi mới, trở thành Liên minh châu Phi (AU) với việc đề ra những kế hoạch lớn đáng khích lệ.
Theo thông báo của Tổng thống Nigeria, đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm AU, O. Obasanjo và thông báo ngày 14-1 của Phủ Tổng thống nước chủ nhà Sudan, sẽ có các vị lãnh đạo của 53 quốc gia thành viên AU, trong đó có hơn 35 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ tới dự HNCC Khartoum. Ngoài ra, đại diện của hơn 120 tổ chức quốc tế như Liên đoàn các nước A-rập, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), v.v. sẽ tới dự hội nghị này với tư cách quan Chad viên. Nhiều nước khác không thuộc AU như Cuba, Hàn Quốc, Iran, Na Uy, Italy, Mỹ... cũng cử đại diện tham dự với tư cách quan Chad viên.
Chương trình nghị sự chính của hội nghị là nghe báo cáo kết quả cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước châu Phi vừa họp trước đó đệ trình HNCC, đánh giá tình hình các nước châu Phi năm 2005 và chương trình hành động năm 2006, khẳng định vai trò của các quốc gia châu Phi tại LHQ, xem xét tình hình các điểm nóng và nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại một số khu vực ở châu Phi.
HNCC Khartoum cũng sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, y tế, giáo dục và văn hóa để đưa ra những quyết định quan trọng về các nội dung này, nhằm giúp châu Phi vượt qua tình trạng nghèo nàn, bệnh tật và lạc hậu. Trong số các điểm "nóng", các nước AU sẽ thảo luận nhiều về việc tháo gỡ bế tắc cuộc khủng hoảng tại Dafur, miền tây Sudan. Những cuộc giao tranh mới diễn ra tại đây cuối năm 2005 đã gây lo ngại trong dư luận thế giới.
Trong khi các cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng Dafur do AU tổ chức tại Abuja (Nigeria) dẫm chân tại chỗ, ngày 13-1 vừa qua, nhiều nước trong AU đã bác bỏ gợi ý của LHQ về việc triển khai các lực lượng Mỹ và phương Tây tới Dafur thay thế các lực lượng của AU. Các nước AU cho rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình của AU tại Dafur gồm 7.000 quân hiện đang thiếu kinh phí, cần được tài trợ, chứ không cần tăng cường các lực lượng Mỹ và phương Tây.
Hội nghị Khartoum dự kiến sẽ nhất trí với quyết định của Hội đồng An ninh châu Phi gia hạn hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của AU tại Dafur đến cuối tháng 3-2006 để thể hiện cam kết của mình về gìn giữ hòa bình tại châu lục này. Về vấn đề tài chính, AU cho rằng khó khăn này có thể được giải quyết thông qua sự hợp tác của các nước châu Phi nhằm cung cấp số tiền 160 triệu USD cần thiết cho các hoạt động của lực lượng AU.
Việc quan tâm giải quyết các mối quan hệ căng thẳng giữa các nước láng giềng Chad với Sudan, cuộc tranh chấp biên giới giữa hai nước Ethiopia và Eritrea, cũng được AU quan tâm xem xét. Phương hướng chung là AU quan tâm giải quyết các cuộc xung đột tồn tại trên lục địa, vì xung đột và nội chiến gây nên các cuộc khủng hoảng nhân đạo, tàn phá kinh tế, gây trở ngại các dự án và khiến căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang hoành hành tại một số nước trầm trọng thêm. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo châu Phi vui mừng khi tình hình ở Togo, Sierra Leone, Liberia, Somalia, Bờ Biển Ngà đang đi dần vào ổn định. AU khuyến khích các nước CHDC Congo, Uganda và Burundi ký kết các hiệp định hòa bình song phương, nhằm giữ gìn sự ổn định ở vùng Hồ Lớn Trung Phi.
Trong quan hệ với các nước, AU chủ trương năm 2006 tăng cường hợp tác với nhiều nước, nhất là với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác năng lượng. Mối quan hệ này không chỉ có lợi về kinh tế cho quan hệ song phương, mà còn có lợi đối với việc thúc đẩy phát triển chung ở châu Phi. Trong HNCC, AU dự kiến kế hoạch cùng với Trung Quốc tiến hành HNCC Trung Quốc - châu Phi lần đầu tiên vào mùa thu năm nay, tại Bắc Kinh, để cùng thảo luận biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tình hình mới.
Là lục địa tập trung đông các nước đang phát triển và có số lá phiếu cao tại diễn đàn Ðại hội đồng LHQ, châu Phi đang ngày càng có vị trí xứng đáng trên vũ đài quốc tế và được sự quan tâm của thế giới. Châu Phi hòa bình và phát triển là cơ sở quan trọng để thế giới phát triển. Chính vì vậy, HNCC AU tại Khartoum là sự kiện giàu ý nghĩa, không chỉ có lợi cho sự phát triển của châu Phi mà còn góp phần thiết thực cho hòa bình và sự phát triển của tất cả các dân tộc.
|