Một cầu nối âm thầm
Các Website khác - 17/01/2006
Một cầu nối âm thầm

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ Sinh - Việt kiều Đức - khiêm tốn tự gọi mình như vậy về những gì đã làm. Họ là một trong hàng trăm Việt kiều hiện đang sống, kinh doanh tại TPHCM.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Sinh đón
năm mới 2006 tại nhà riêng ở TPHCM.
Một trong những món gia tài quý nhất của gia đình chị Sinh là tập hồ sơ dày cộp của cậu con trai trưởng Nguyễn Tấn Trọng Nhân. Lật từng trang hồ sơ được lưu giữ cẩn thận, chị Sinh không giấu tự hào "toàn bộ thành tích học tập của Nhân từ lớp 1 tới khi vào đại học: Năm nào, môn gì cũng xuất sắc, từ học văn hoá cho tới thể thao, các môn ngoại khoá, luôn dẫn đầu lớp".

Trọng Nhân sinh năm 1971, cao lớn đẹp trai như tài tử điện ảnh, nói tiếng Việt không được rành rẽ lắm, hiện đang là bác sĩ vi phẫu Bệnh viện Veteran's Administration-San Francisco. Tết này anh không đón Tết với bố mẹ và em gái ở quê nhà. "Phải quay sang Mỹ đi làm và đi học-Trọng Nhân nói - Thỉnh thoảng, một năm về hai lần. Vừa làm vừa học để trả nốt tiền học phí 60.000USD".

Thời học sinh, mấy lần Nhân đoạt giải nhất, giải nhì các cuộc thi toán toàn bang Bavaria. Năm 1991, tốt nghiệp trung học phổ thông, Nhân là 1 trong 40 học sinh giỏi nhất của bang, là 1 trong 5 người được Bộ Giáo dục bang Bavaria cấp giấy chứng nhận là học sinh giỏi có năng khiếu đặc biệt, có quyền vào học và nhận học bổng ở bất cứ một trường đại học nào trong bang. Nhưng Trọng Nhân quyết định sang Mỹ học nghề bác sĩ. Năm 1997, anh từng về thực tập tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TPHCM.

"Chúng tôi tôn trọng quyền quyết định của con. Nếu muốn giàu hơn nữa, chúng tôi đã ở lại Đức hay sang Mỹ cùng với cháu. Nhưng năm 1993, sau hơn 20 năm chạy đua làm việc, kiếm sống ở xứ người, vợ chồng thuận thảo quyết định về nước. Hiện là Việt kiều được tạm trú thường xuyên" - chị Lệ Sinh kể.

Chị Lệ Sinh người Đồng Nai, sang Đức du học năm 1970, ngành kỹ sư hoá về lĩnh vực chế biến giấy và đóng gói bao bì, sau đó làm việc cho một số công ty kinh doanh có uy tín ở Munich.

Chị từng được Cty quản lý đường sắt Đức tại miền nam Josef Rubbenbaner GmbH mời làm đào tạo nhân sự cho các cộng sự viên người Việt Nam trong chương trình hướng dẫn, sử dụng thiết bị và cung cách bán hàng thức ăn nhanh trong các cơ sở của Master Fu Franchise-Munich.

Anh Nguyễn Công Tánh-chồng chị - từng làm kỹ sư trong Công ty Siemens. Hiện, chị Sinh là thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, anh Tánh là hội viên CLB Doanh nghiệp Việt kiều.

"Tuy không lập công ty, nhưng từ nhiều năm qua, công việc của chúng tôi là tư vấn, xúc tiến thương mại-ráp nối các quan hệ giữa một số DN kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam với bạn hàng Đức" - anh Tánh khiêm tốn cho biết.

"Từ đầu tháng 1, Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã được UBND TPHCM uỷ nhiệm cấp hoặc từ chối cấp giấy xác nhận có gốc VN giúp Việt kiều hưởng những ưu đãi theo luật hiện hành và thuận lợi hơn trong đầu tư, kinh doanh, hay sinh sống lâu dài ở VN. Chúng tôi rất vui mừng vì điều này! Ước mong lớn nhất của chúng tôi là con trai về quê nhà làm việc.

Từ mong ước con trai trở về góp sức cho quê hương, chúng tôi mạnh dạn góp ý với các cơ quan, ban ngành của TP như sau: Các bệnh viện, cơ quan, sở, ban ngành... nên lên kế hoạch dài hạn, thông báo nhu cầu tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là những người là chuyên viên cao cấp trong các lĩnh vực với lãnh đạo UBND TP, hoặc UBVNVNONN TP. Việt kiều có thể tìm hiểu nhu cầu nhân sự này qua UBVNVNONN TP và từ đó có thể có hướng đầu tư cho con cái theo học những ngành TP thật sự cần" - chị Sinh nói.

Lâm Tuyền