Ngoại trưởng Mỹ Rice "ghi điểm" tại Châu Âu
Các Website khác - 09/12/2005
Ngoại trưởng Mỹ Rice "ghi điểm" tại Châu Âu

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (ảnh) đã "ghi điểm" đầu tiên trong chuyến công du tới Châu Âu, khi tuyên bố ngày 7.12 rằng "các nhân viên Mỹ - dù ở trong hay ngoài lãnh thổ - đều bị cấm sử dụng các hình thức tra tấn, hoặc hành động phi nhân tính đối với tù nhân". Nhưng không ít người vẫn nghi ngờ về những kẽ hở cho các động thái tương tự tra tấn được che đậy bên trong lời cam kết của bà Rice.

Tuyên bố trên được bà Rice đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraina V.Yuschenko, trước khi rời đi Brussels. Bình luận của Ngoại trưởng Rice lập tức nhận được sự tán thưởng của dư luận như "dấu mốc cho sự thay đổi chính sách của Mỹ về vấn đề tra tấn tù nhân", thậm chí còn được ca ngợi là "táo bạo và đột phá". Sở dĩ như vậy bởi trước đó, chính quyền của Tổng thống George W.Bush từng diễn dịch rằng Công ước cấm tra tấn của LHQ chỉ áp dụng trên lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Scott McClellan, tuyên bố của bà Rice chỉ là làm rõ thêm chính sách của Washington, chứ không phải là "tạo ra đột phá" như được nhận định. "Đó là những chính sách vẫn đang được thực hiện tại Mỹ" - Scott McClellan cho hay.

Rõ ràng, vụ bê bối về việc CIA điều hành hệ thống nhà tù bí mật trên thế giới vẫn là đề tài nóng bỏng nhất tại mọi điểm dừng chân của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du tới Châu Âu. Khó khăn lớn nhất vẫn chờ Ngoại trưởng Rice tại phiên họp của NATO ngày 8.12, với phiên chất vấn dự kiến hết sức gai góc từ những người đồng nhiệm trong Liên minh Châu Âu và NATO. Trước phiên họp, Ngoại trưởng Hà Lan Bernard Bot bình luận câu trả lời của bà Rice về vấn đề trên chưa thoả đáng và tuyên bố sẽ có những câu hỏi cứng rắn với bà Rice. Ba Lan - một đồng minh tin cậy của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq - cũng muốn có câu trả lời trực tiếp từ bà Rice về việc liệu CIA có thực sự điều hành hệ thống nhà tù bí mật trên lãnh thổ nước này.

Mục đích chuyến đi Châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ là giải đáp và tháo bỏ những nghi ngờ về chính sách của Mỹ với tù nhân. Nhưng mức độ thành công đến đâu và dư luận có hài lòng với phần giải đáp của bà Rice hay không, có lẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu trung thực từ Washington. Trong khi đó, những ý kiến nghi ngờ về phát biểu của bà Rice thì đặt câu hỏi vì sao Ngoại trưởng Mỹ không đưa ra dẫn chứng cụ thể về những hành động bị cấm, hay định nghĩa rõ ràng về các dạng "hành động tàn ác" và "hạ nhục". A.P (Theo AFP, AP, Reuters)