Người châu Á nên mở hầu bao
Các Website khác - 17/02/2009

Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến từng gia đình châu Á. Nhiều chuyên gia cho rằng người dân châu lục này cần thay đổi thói quen chi tiêu vốn rất tiết kiệm để giúp nền kinh tế “vượt khó”.

“Tôi nghĩ một trong những điểm tích cực mà cuộc khủng hoảng tài chính mang lại là nó khiến người châu Á phải có ý thức hơn trong việc tiêu dùng - điều mà cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-98 không thể mang lại” – ông Stephen Roach, chủ tịch Morgan Stanley châu Á khẳng định.

Nhu cầu hàng hoá tại Hàn Quốc và Nhật Bản sụt giảm mạnh trong khi “cỗ máy xuất khẩu” Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Giá trị xuất khẩu của quốc gia đông dân nhất thế giới giảm 2,8% trong tháng 12 năm 2008. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này sụt giảm tại Trung Quốc và cũng là mức giảm tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, Masahiro Kawai cho rằng: “Châu Á vẫn sẽ là công xưởng của thế giới nhưng người dân, hơn lúc nào hết, cần tích cực chi tiêu”.

Các nền kinh tế trong khu vực đang sử dụng mọi nỗ lực để kích cầu trong nước. Tại Nhật, chính phủ nước này vừa thông qua khoản ngân sách kích thích kinh tế trị giá 22 tỷ USD (trung bình 130 USD cho một người dân). Trong khi đó, mỗi người trong tổng số 23 triệu dân của Đài Loan cũng được được phát phiếu mua hàng trị giá 105 USD.

Tuy vậy, nhiều nhà kinh tế vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của các kế hoạch này. Robert Prior-Wandesforde, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng HSBC cho rằng: “Thật khó để khiến người châu Á từ bỏ thói quen tiết kiệm và chi tiêu hào phóng vào thời điểm này”.

Một điều tra cần đây cho thấy, 44% người châu Á quyết định sẽ sử dụng toàn bộ số tiền kiếm được để chi dùng trong khi có 18% nói rằng họ sẽ tiết kiệm nhiều nhất có thể. Số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy các gia đình nước này đã cắt giảm chi tiêu trong 10 tháng liên tiếp và mức giảm của tháng 12 là 4,6%. Điều tương tự cũng xảy ra ở các nước châu Á khác.

Nhiều trung tâm thương mại tại Bắc Kinh thưa vắng khách hàng. Ảnh: Yahoo

Người Hàn Quốc thậm chí còn hết sức tiết kiệm trong việc mua nhẫn cưới. Các nhân viên văn phòng tại xứ sở Kim Chi cũng tích cực mang theo bữa trưa tới công sở hoặc sử dụng căng tin của công ty hơn, thay vì ăn trưa ở ngoài. Bộ Tư pháp nước này cũng đang cân nhắc giảm nhẹ việc phạt tiền đối với người nghèo khi họ phạm pháp ở mức độ nhẹ.

Chính phủ Malaysia thậm chí còn cắt giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Wan Suhaimi Saidi, một chuyên gia hàng đầu trong ngành ngân hàng của nước này, đây không phải là bước đi khôn ngoan để kích cầu: “Người dân đã được cảnh báo là nên giữ tiền và sẽ khó khi thuyết phục họ dùng số tiền đó để chi tiêu.”

Trong khi các biện pháp của chính phủ còn chưa cho thấy tác dụng rõ rệt thì sự dè dặt của người tiêu dùng đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài mất tự tin. Nhãn hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton vừa từ bỏ kế hoạch mở thêm một chi nhánh tại Tokyo trong khi hãng bán lẻ Marks & Spencer của Anh cũng vừa “tạm biệt” thị trường Đài Loan do thua lỗ vào cuối năm 2008.

Tại Trung Quốc, việc chính phủ tăng chi cho mạng lưới ý tế công cộng và người dân vẫn tiếp tục tiêu thụ mạnh những sản phẩm như tivi, tủ lạnh hay điện thoại di động khiến tình hình có vẻ sáng sủa hơn đôi chút. Tuy nhiên, việc tổng chi tiêu trong dịp năm mới giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái cũng phần nào cho thấy mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tại quốc gia này.

Căn cứ vào tình hình hiện tại, theo ông Prior-Wandesforde, việc người châu Á có tăng chi tiêu để kích thích kinh tế hay không phụ thuộc phần lớn vào các chính phủ. Một chính sách phúc lợi thực sự đảm bảo sẽ giúp người dân yên tâm hơn khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

Theo VnExpress