Nhật: Hóa phép gạo mốc bán kiếm lời
Các Website khác - 15/09/2008

Tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật liên tục đưa tin về kiểu làm ăn gian dối của Công ty chế biến và cung cấp các loại ngũ cốc Mikasa có trụ sở tại tỉnh Osaka.

Thủ đoạn lừa dối

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật, Công ty Mikasa đã trộn hàng trăm tấn gạo xấu bốc mùi, nhiễm nấm mốc với gạo tốt cung cấp cho các nhà bán lẻ và công ty sản xuất rượu, bánh quy làm từ bột gạo trong khi đúng ra loại gạo xấu này chỉ được dùng làm nguyên liệu chế biến công nghiệp.

Chẳng những gạo nhiễm nấm mốc, qua kiểm tra, phân tích cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều mẫu gạo có chứa dư lượng thuốc trừ sâu methamidophos vượt gấp năm lần mức cho phép và cả chất aflatoxin - một loại độc tố gây ung thư.

Trong buổi họp báo hồi tuần trước, ông Mitsuo Fuyuki (chủ tịch Công ty Mikasa) thừa nhận đã chỉ đạo cán bộ phụ trách tại một số chi nhánh công ty tại tỉnh Chikuzen và Fukuoka trộn một phần gạo xấu vào lô hàng còn tốt.

Gạo dùng để chế biến món sushi truyền thống của người Nhật

Theo Báo The Yomiuri Shimbun của Nhật, ít nhất 700 tấn gạo xấu đã được đánh bóng, làm sạch để loại bỏ nấm mốc, sau đó trộn lẫn vào số gạo tốt đưa đi tiêu thụ.

Sau khi đã chà sạch nấm mốc, gạo vẫn không thể có được màu sắc ban đầu. Do đó, để tránh bị phát hiện, Công ty Mikasa đã giới hạn tỷ lệ pha trộn gạo xấu 10%-15% tùy theo giá cả và số lượng gạo còn tồn kho. Chẳng hạn tỷ lệ này sẽ tăng lên với các công ty mua hàng thường kỳ kèo giảm giá.

Muốn tránh bị khách hàng nghi ngờ, công ty giải thích rằng giá bán gạo trộn thấp hơn thị trường là do công ty đã nỗ lực cắt giảm chi phí đầu vào.

Mua rẻ, bán đắt

Tại sao hành vi gian lận thương mại của Công ty Mikasa kéo dài từ năm 2003 đến năm 2008 mà không bị phát hiện mặc dù cơ quan quản lý nhà nước liên tục kiểm tra các kho hàng của công ty? Nguyên nhân do công tác kiểm tra của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo và thủ đoạn khai khống chứng từ của công ty nhằm qua mặt cơ quan kiểm tra.

Mặc dù là nước tự bảo đảm được lương thực nhưng hàng năm chính phủ Nhật vẫn phải nhập khẩu khoảng 770.000 tấn lương thực theo thỏa thuận của vòng đàm phán Uruguay và mua một phần gạo trong nước đưa vào kho dự trữ quốc gia.

Trong trường hợp phát hiện gạo bị nhiễm thuốc trừ sâu vượt quá quy định hoặc gạo bắt đầu bị nấm mốc sau một thời gian lưu trữ trong kho, gạo sẽ được thải ra bán lại cho các nhà buôn ngũ cốc.

Loại gạo kém chất lượng chỉ được phép sử dụng vào mục đích công nghiệp như sản xuất phân bón, chế biến thức ăn gia súc hay làm tinh bột hồ dệt vải sợi chứ không thể dùng làm thức ăn cho người.

Vì giá thanh lý gạo kém chất lượng quá hấp dẫn, chênh lệch quá lớn so với giá các loại gạo dùng để sản xuất rượu shochu và bánh senbei làm từ bột gạo, cơ quan chức năng buộc phải thường xuyên kiểm tra sổ sách, hàng đã dùng và hàng còn tồn kho của các nhà buôn gạo để bảo đảm nhà buôn sử dụng gạo đúng mục đích.

Tuy nhiên, thay vì áp dụng hình thức kiểm tra đột xuất, cơ quan kiểm tra lại thông báo trước thời gian làm việc cho công ty. Đây là kẽ hở tạo cơ hội cho công ty kê khống chứng từ qua mặt cơ quan kiểm tra.

Sự việc này một lần nữa cảnh báo tình trạng xói mòn lòng tin của người dân đối với các công ty thực phẩm sau hàng loạt tai tiếng gần đây, từ các sản phẩm bánh kẹo đến mặt hàng sữa tươi.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật, trong năm năm (2003-2008), Công ty Mikasa đã mua 1.779 tấn gạo thải ra từ kho dự trữ quốc gia. Ngoài ra, công ty còn mua 800 tấn gạo nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu methamidophos từ Trung Quốc và chín tấn gạo nhiễm aflatoxin của các công ty Trung Quốc, Mỹ...

Tính bình quân Công ty Mikasa mua số gạo trên với giá mỗi kg 8,8 yen (1.300 đồng VN) nhưng lại bán ra ngoài với giá 50-70 yen (7.500-10.600 đồng VN). Cũng vì khoản siêu lợi nhuận này mà Công ty Mikasa đã bất chấp tính mạng người tiêu dùng.

Theo Minh Nhựt
phapluattphcm