Nỗi đau 11.9 chưa dứt
Các Website khác - 11/09/2005
Nỗi đau 11.9 chưa dứt

* Bốn năm sau sự kiện toà tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bị khủng bố
(11.9.2001), ngày 9.9.2005 tại Nhà trắng, Tổng thống Bush đã truy tặng huy chương dũng cảm cho những người tham gia giải cứu các nạn nhân.
* Những âm thanh cuối cùng của những người đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ được công bố trong 23 đĩa CD.

Huy chương dũng cảm

Những thân nhân của người bị nạn
cầm trong tay các đĩa CD lưu giữ
thông tin về các cuộc điện thoại
và báo cáo của nhân viên cứu hỏa
trong ngày 11.9.2001.
Trong nghi lễ được tổ chức tại Nhà trắng, Tổng thống Bush đã truy tặng huy chương dũng cảm cho 442 lính cứu hoả, sĩ quan cảnh sát, và người tham gia giải cứu đã hi sinh vào ngày 11.9.2001. Phát biểu trước 1.200 người thân và bạn bè của họ, ông nói: "Nước Mỹ sẽ luôn luôn lưu giữ hình ảnh về lòng quả cảm và sự hi sinh anh dũng của họ".

Đối với gia đình của những người đã ngã xuống vào ngày 11.9, nghi lễ này gợi nhớ tới những thời khắc xúc động mà con, em hay chồng, cha của họ đã nỗ lực đến giây phút cuối cùng cứu giúp những người bị nạn. Arlene Howard - mẹ của nhân viên cảnh sát George Howard - bày tỏ, bà rất vinh dự và tự hào vì con trai mình đã cứu sống rất nhiều người, mặc dù đó không phải là ngày làm việc của anh. Còn đối với Dene Smagala - vợ của nhân viên cứu hoả Stanley Smagala - nghi lễ này không chỉ là sự ghi nhận hành động dũng cảm của anh, mà còn có ý nghĩa với cô con gái Alexa 3 tuổi của họ "khi cháu đủ lớn để có thể hiểu được mọi chuyện".

Thời khắc cuối cùng
Việc truy tặng huân chương cho những người đã hi sinh đã làm dịu bớt nỗi đau của những người thân của họ, nhất là khi hồi ức của họ lại bùng lên khi họ được tiếp cận với những đĩa CD ghi lại giọng nói của con, em, chồng, cha... mình trong thời khắc cuối cùng. Theo quyết định của toà án và trước sức ép mạnh mẽ của gia đình những người bị nạn, mới đây thành phố New York đã mở một phần kho lưu trữ về sự kiện ngày 11.9, công bố một khối lượng lớn những cuộc đối thoại, băng ghi âm và gọi điện thoại của các nhân viên cứu hoả và cảnh sát, chứa đầy trong 23 đĩa CD. Và trong nhiều ngày qua, những dữ liệu mới là bằng chứng cho những thất bại chết người này đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ của công chúng.

Nhiều người không dám đối mặt với những nguồn thông tin mới. Barbara Hetzel - mẹ của Thomas, nhân viên cứu hoả đã hi sinh trong toà tháp phía bắc - cho biết, bà sẽ cất giữ những đĩa CD và sẽ nghe trong thời điểm thích hợp. Còn Marian Fontana bày tỏ, cô thà lưu giữ hình ảnh người chồng của mình (cũng là lính cứu hoả, hi sinh trong toà tháp phía nam), "hát cho con nghe hơn là chịu đựng tiếng kêu thét đau đớn hay bất cứ điều gì khác mà anh đã chịu đựng".

Đối với cô, những thông tin trong đĩa CD chỉ "xát thêm muối vào vết thương". Tuy nhiên, bất chấp việc đối mặt với những thông tin mới có thể gây thương tổn, nhiều người vẫn quyết định nghe đĩa. Jay Winuk, người có em trai hi sinh trong khi làm nhiệm vụ nói: "Tôi nghĩ rằng nỗi đau của việc không biết những thông tin về thời khắc cuối cùng của người thân còn lớn hơn nhiều so với nỗi đau khi nghe đĩa".

Nhưng những thông tin ít ỏi trong đĩa CD và cả những tấm huy chương dường như vẫn chưa thể làm mọi người thoả mãn, thậm chí chúng có thể sẽ mở đường cho những cuộc điều tra và khám phá mới. Sally Regenhard - người có con trai bị chết trong ngày 11.9 - tuyên bố: "Các gia đình có người bị nạn sẽ không bao giờ đầu hàng, vì chúng tôi muốn biết sự thật". Hoàng Giang tổng hợp