Philippines: Trấn áp các nhân vật chống đối chính phủ Hai ngày sau khi ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo hôm 26.2 tiếp tục tiến hành các biện pháp trấn áp những nhân vật chống đối tổng thống và chính phủ. Tình trạng hỗn loạn này xảy ra đúng vào thời điểm người Philippines kỷ niệm 20 năm ngày lật đổ cựu độc tài Ferdinand Marcos.
Hôm 26.2, đến lượt tư lệnh thủy quân lục chiến, tướng Renato Miranda bị cách chức, sau khi có tin thuộc cấp của ông dính dáng đến kế hoạch đảo chính. Sáng 25.2, cảnh sát Philippines còn đột kích và phong toả toà báo The Daily Tribune tại Manila, tịch thu toàn bộ số báo vừa phát hành và bắt giữ một số cây bút chỉ trích chính phủ. Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Samuel Pagdilao tuyên bố: "Sẽ còn nhiều cuộc bắt bớ tiếp trong thời gian tới". Theo đài ABS-CBN, ít nhất 100 người đã bị bắt do liên quan tới âm mưu đảo chính bất thành, trong đó có Thượng nghị sĩ Gregorio Honasan - người hùng của "quyền lực nhân dân" từng lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos 20 năm trước. Trong những ngày gần đây, không khí ở Philippines căng thẳng và nặng nề. Lính thuỷ đánh bộ và cảnh sát chống bạo động cũng "gầm ghè" nhau. Sau khi tư lệnh thuỷ quân lục chiến - tướng Renato Miranda, bị cách chức, khoảng 300 lính đã tổ chức một cuộc thức đêm cầu nguyện cho ông ở Manila. Chính phủ đã lập tức điều cảnh sát chống bạo động tới phong toả khu trại. Một đại tá thuỷ quân lục chiến đã phải lên truyền hình, kêu gọi người dân Philippines xuống đường "bảo vệ" lực lượng lính thuỷ đánh bộ khỏi một cuộc gây hấn. Cũng may là chỉ sau vài giờ, mọi việc đã được kiểm soát. Cựu Tổng thống Fidel Ramos, biểu tượng của "quyền lực nhân dân" năm 1986, người đã từng đứng bên cạnh bà Arroyo trong vụ luận tội năm ngoái, cho biết ông cảm thấy thất vọng trước quyết định ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp của bà Arroyo. "Đây có phải là tên gọi khác của thiết quân luật không?" - ông nói. Trong khi đó, Tổng thống Arroyo - người đã đứng vững sau hai âm mưu đảo chính và nhiều cuộc khủng hoảng khác trong 5 năm nắm quyền, vẫn kiên quyết cho rằng lệnh tình trạng khẩn cấp là cần thiết. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, việc bà Arroyo cố tình "phóng đại" những tuyên bố từ đối thủ của bà nhằm dẹp tan các âm mưu đảo chính sẽ có tác dụng ngược và nguy cơ chính phủ bị lật đổ là có thật. Tr.M (Theo AP, BBC) |
▪ Mò kim đáy biển (27/02/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (27/02/2006)
▪ Thủ tướng Thái Lan công bố sách lược tranh cử (27/02/2006)
▪ Dân số thế giới đạt 6,5 tỉ người (27/02/2006)
▪ Chuyển thi thể nạn nhân về nước (27/02/2006)
▪ Al-Qaeda đe doạ tiếp tục khủng bố (27/02/2006)
▪ “Má Blanche” (25/02/2006)
▪ Hồi ký gây họa (26/02/2006)
▪ Thành phố “ngọt ngào” (26/02/2006)
▪ Bạo loạn tại Nigeria: (25/02/2006)