Phóng viên - nghề nguy hiểm
Các Website khác - 12/02/2006
Phóng viên - nghề nguy hiểm

Có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, chứng kiến những thời khắc sống động nhất, các phóng viên phải chịu những áp lực lớn. Riêng năm 2005, trên thế giới có hàng chục nhà báo bị giết chết, hàng trăm nhà báo bị thương, hàng nghìn nhà báo bị tấn công khi đang tác nghiệp...

Số lượng nhà báo trên thế giới bị
giam cầm và hy sinh từ năm 2002
đến nay.
Khi Fakher Haider - phóng viên người Iraq - vừa chuyển xong bản tin cuối cùng cho tờ The New York Times qua điện thoại vệ tinh trên nóc nhà của anh ở Basra thì có tiếng gõ cửa. Một toán người vũ trang, bịt mặt tuyên bố là cảnh sát địa phương buộc anh phải đi với họ. Ngày hôm sau, xác của anh được tìm thấy với một phát đạn vào đầu và những vết thâm tím ở lưng. Haider là một trong 22 nhà báo bị giết chết ở Iraq năm 2005. Cùng thời gian này, tổng số nhà báo bị chết trên toàn thế giới lên tới 63 người - con số kỷ lục kể từ thời điểm diễn ra xung đột ở Algeria, nơi theo Tổ chức Nhà báo không biên giới có 57 nhà báo bị chết trong khoảng thời gian 1993 - 1996.

Vùng nguy hiểm
Hiện nay, Iraq là địa điểm nguy hiểm nhất đối với các phóng viên. Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 3 - 2003, tại đây đã có 79 nhà báo và nhân viên truyền thông bị chết khi đang làm nhiệm vụ. 35 người khác bị bắt cóc, trong số đó có Jill Carroll - nhà báo tự do viết cho tờ The Christian Science Moniter và một số báo khác. Ngoài ra, theo thống kê của Tổ chức Nhà báo không biên giới và Uỷ ban Bảo vệ nhà báo, thì có gần một tá phóng viên bị quân đội Mỹ giam giữ, chưa kể hàng trăm nhà báo khác bị thương khi tác nghiệp, trong đó mới nhất là người đưa tin Bob Woodruff và phóng viên ảnh Doug Vogt của tờ ABC News.

"Hiện đang tồn tại một làn sóng bạo lực chưa từng thấy đối với các phóng viên báo chí - Joel Simon, nhân viên Uỷ ban Bảo vệ nhà báo, có trụ sở tại New York, nói - Đó là sự xung đột nguy hiểm nhất kể từ khi chúng tôi ghi chép một cách hệ thống những dạng bạo lực kiểu này".

Philippines hiện xếp hạng hai trong số những nơi nguy hiểm nhất đối với phóng viên báo chí. Năm ngoái, có 7 nhà báo đã bị chết và hàng chục người bị hành hung khi đang tác nghiệp tại nước này. Họ thuộc về số 1.300 nhà báo bị tấn công trên toàn thế giới. Tại Bangladesh và Nepal, chuyện đánh đập và hành hung nhà báo xảy ra hàng ngày. Tổng số nhà báo trên thế giới bị giam cầm hiện lên tới 126 người.

Nạn nhân
Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm đối với phóng viên nước ngoài và phóng viên địa phương khác nhau. Đối với các lực lượng chống đối, nhà báo nước ngoài là biểu tượng về các quốc gia thù địch hơn là những người săn tin khách quan độc lập, những kẻ thừa hành hơn là những người cung cấp thông tin. Do vậy họ trở thành đối tượng cho các cuộc mặc cả, và đôi khi họ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình khi các yêu sách của những lực lượng chống đối không được đáp ứng. "Quân đội Hồi giáo Iraq" - Tổ chức đã bắt cóc nhà báo tự do Enzo Baldoni, người Italia, vào tháng 8.2004 - đòi chính phủ nước này phải rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq. Sau khi Italia từ chối, Baldoni đã bị hành hình. Một phóng viên khác là Carroll bị tổ chức "Những kẻ báo thù" bắt cóc, nhằm gây sức ép đối với quân đội Mỹ và Bộ Nội vụ Iraq thả tự do cho tất cả phụ nữ Iraq bị cầm tù...

Tuy nhiên, phần lớn các phóng viên bị giết, bị tấn công hay giam giữ là người địa phương. Tại Iraq, trong số 5 nhà báo bị bắt cóc và sau đó bị giết hại, chỉ có Baldoni là người phương Tây. 4 người còn lại là người Iraq. Còn những người khác đã được thả tự do. Khi an ninh trở nên xấu hơn, mối nguy hiểm rình rập phóng viên địa phương tăng lên do các phóng viên nước ngoài ngày càng phụ thuộc vào những đối tác người Iraq để có được các báo cáo trực tiếp về các vụ đánh bom.

Do xã hội Iraq khá phức tạp, những người thu thập tin tức địa phương đôi khi bị buộc tội làm việc cho phe này hay phe khác. Kết quả là họ trở thành mục tiêu của cả quân đội Mỹ và những người nổi loạn. Ví dụ, người ta tin rằng, Haider - phóng viên tờ The New York Times - đã bị tổ chức Hồi giáo dòng Shiite giết hại do anh đã thực hiện phóng sự điều tra về sự xâm nhập của lực lượng này vào hàng ngũ cảnh sát địa phương ở Basra. Sự việc này được thực hiện đầu tiên bởi phóng viên Steven Vincent - người cũng bị giết chết vào tháng 8 năm ngoái chỉ 2 ngày sau khi bài báo của anh về lực lượng vũ trang người Shiite xuất hiện trên tờ The New York Times.

Đối với những trường hợp bị quân đội Mỹ giết hại, họ thường bị tưởng nhầm là kẻ thù khi dụng cụ tác nghiệp của họ trông giống... vũ khí. Một số trường hợp khác hi sinh khi sa vào lưới đạn. Năm 2005, quân đội Mỹ đã bắt giữ ít nhất 7 nhà báo địa phương ở Iraq. Một trong số đó là phóng viên nhiếp ảnh Abdul Ameer Younis Hussein của kênh truyền hình CBS. Khi đang quay hiện trường một vụ đánh bom tự sát, anh đã bị lính Mỹ bắn vào hông. Và anh bị bắt giam khi đang hồi phục trong bệnh viện.

Quân đội Mỹ cho biết, băng video trong máy quay của anh cho thấy anh làm việc với những kẻ nổi loạn - điều các đồng nghiệp của anh kiên quyết phủ nhận. Chuyện này xảy ra từ tháng tư năm ngoái, và kể từ đó người ta không còn thấy Hussein nữa, mặc dù CBS và luật sư của hãng này liên tục có những lời đề nghị cung cấp thông tin về anh. Theo đại tá Barry Venable - người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, những nhà báo bị giam cầm vì những lý do an ninh, mà không phải vì họ là phóng viên báo chí. Hoàng Giang (Theo The Christian Science Moniter)