Phương Tây đặc biệt lo ngại về vệ tinh tự tạo của Iran
Các Website khác - 05/02/2009
 Các cường quốc phương Tây tỏ ra đặc biệt lo ngại sau khi Iran phóng vệ tinh tự chế đầu tiên vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy cũng do chính nước này sản xuất.

Tổng thống Iran được giới thiệu về tên lửa đẩy Safir-2.
 
Theo Iran, vệ tinh tự tạo Omid (Hi vọng) của họ được bay vào quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy Safir-2, mang mục đích hòa bình là nghiên cứu và dùng cho ngành viễn thông.

 

Tuy nhiên, Mỹ, Anh và Pháp lo ngại Iran có thể sử dụng công nghệ trên để phát triển tên lửa đạn đạo.

 

Iran phóng vệ tinh đúng vào thời điểm kỷ niệm 30 năm cách mạng Hồi giáo của nước này và một ngày trước khi các quan chức thuộc 6 cường quốc thế giới nhóm họp để thảo luận về vấn đề hạt nhân của Iran. 6 cường quốc, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, đã đưa ra gói sáng kiến cho Iran nếu quốc gia Hồi giáo này ngưng làm giàu urani và tham gia vào các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.

 

Hiện Iran đang bị LHQ trừng phạt do một số cường quốc phương Tây nghi ngờ nước này theo đuổi chương trình chế tạo bom nguyên tử. Dĩ nhiên, Iran luôn phủ nhận cáo buộc và khẳng định tham vọng hạt nhân của họ chỉ giới hạn ở mức sản xuất năng lượng.

 

Phản ứng về vụ phóng, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho hay: “Hành động này không thuyết phục được chúng tôi thấy rằng Iran đang hành động có trách nhiệm để thúc đẩy sự ổn định và an ninh trong khu vực”.

 

Quan chức thuộc Bộ ngoại giao Mỹ Robert Wood cũng cho rằng các hoạt động của Iran “có thể dẫn đến việc phát triển tên lửa đạn đạo” và là “mối lo ngại lớn”.

 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Pháp Eric Chevallier cho hay Pháp “rất quan ngại” về vụ phóng. “Chúng tôi không thể không liên hệ việc này với mối lo ngại về việc phát triển khả năng hạt nhân của quân đội”, ông nói.

 

Người đứng đầu Văn phòng ngoại giao Anh Bill Rammell nhấn mạnh vụ phóng vệ tinh của Iran khiến Anh “đặc biệt lo ngại về mục đích của Iran”. “Công nghệ phóng vệ tinh hàm chứa ứng dụng kép trong chương trình tên lửa hạt nhân của Iran”, ông nói. “Kết quả, chúng tôi cho rằng vụ phóng đã gửi đi tín hiệu đáng ngại tới cộng đồng quốc tế, từng thông qua 5 nghị quyết liên tiếp của Hội đồng bảo an LHQ về chương trình tên lửa đạn đạo cũng như hạt nhân của Iran”.

 

Iran gia nhập nhóm ít các nước có mặt trong không gian

 

Vệ tinh Hi vọng trên bệ phóng.
 
Phát biểu vào đêm hôm thứ hai vừa qua, khi vệ tinh Hi vọng được phóng thành công vào quỹ đạo, Tổng thống Iran Mahmound Ahmadinejad cho biết Iran “đã chính thức có mặt trong không gian”.

 

Ngoài ra, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki nhấn mạnh dự án vệ tinh “chỉ mang mục đích hòa bình và để đáp ứng nhu cầu của đất nước”.

 

Theo giới phân tích, Iran hiện đã gia nhập nhóm nhỏ với chưa đầy chục nước đưa được vệ tinh lên qũy đạo. John Pike, một chuyên gia tại GlobalSecurity.org, cơ quan phân tích chiến lược tại Mỹ, khẳng định vụ phóng vệ tinh của Iran đã thành công và vệ tinh hiện đang bay ở trong quỹ đạo thấp của Trái đất.

 

Mối quan ngại của Mỹ và các đồng minh là có cơ sở bởi không có nhiều khác biệt giữa tên lửa đẩy đưa vệ tinh vào vũ trụ và một tên lửa đạn đạo tầm xa. Vì vậy động thái của Iran đã “thêm phần phức tạp” cho tình hình hiện nay khi Tổng thống Mỹ Obama đang muốn tìm kiếm một con đường đối thoại mới với Tehran.

 

Tên lửa Safir-2 đưa vệ tinh Hi vọng vào quỹ đạo đã được Iran thử lần đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái và có tầm xa lên tới khoảng 350km. Đài truyền hình Iran cho biết vệ tinh sẽ bay trong quỹ đạo ở độ cao từ 350-400km.

 

Còn đài phát thanh nước này cho biết, vệ tinh được thiết kế bay quanh trái đất 15 lần trong 24 giờ và gửi thông tin về trung tâm vũ trụ tại Iran. Vệ tinh có 8 ăngten để truyền dữ liệu.

 

Tổng thống Ahmadinejad cũng thông báo vệ tinh đã bày vào quỹ đạo và đã liên lạc với các trạm không gian dưới mặt đất, mặc dù các chức năng của nó chưa hoạt động hết. Ông cho biết Iran giờ sẽ nghiên cứu để tăng khả năng của tên lửa đẩy để có thể mang được vệ tinh lớn hơn, nặng hơn nữa. Thậm chí Iran còn tham vọng đặt mục tiêu đưa con người vào quỹ đạo trong vòng 10 năm tới.

 

Chương trình phát triển vệ tinh của Iran đã đặt nước này vào câu lạc bộ gồm hơn 80 quốc gia hiện đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng vệ tinh riêng của mình. Tuy nhiên, khả năng đưa được chúng vào không gian lại hạn chế trong rất ít nước, mà hiện con số này chỉ vẻn vẹn có 9 nước.

 

Năm 2005, Iran đã phóng vệ tinh thương mại đầu tiên nhờ một tên lửa đẩy của Nga trong dự án liên kết với Mátxcơva. Mátxcơva khi đó là một đối tác chuyển giao công nghệ cho Iran cùng với Triều Tiên và Trung Quốc. Cùng năm đó, chính phủ Iran tuyên bố chi 500 triệu USD cho các dự án không gian trong vòng 5 năm tiếp theo.

 

Iran tuyên bố muốn đưa vệ tinh tự tạo của họ vào quỹ đạo để giám sát các thảm họa tự nhiên bởi nước họ nằm trong vùng hay bị động đất và để cải thiện ngành viễn thông. Giới chức Iran viện dẫn Mỹ đã dùng vệ tinh để giám sát các hoạt động tại Afghanistan, Iraq nên họ cũng cần khả năng tương tự phục vụ cho an ninh của họ.

 

Theo Dan Tri