Quan hệ Nga-Israel rạn nứt vì Hamas Lãnh đạo nhóm Hồi giáo Hamas, Palestine hôm 11.2 khẳng định họ đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Mátxcơva theo lời mời của Tổng thống Nga V.Putin, dự kiến diễn ra cuối tháng này. Vụ việc trên khiến Israel hết sức tức giận. "Chúng tôi sẽ trình bày với Nga quan điểm của chúng tôi về diễn biến chính trị và những vấn đề liên quan tới quyền lợi của người dân" - Sami Abu Zuhri, người phát ngôn của Hamas tại Gaza nói. "Nga sẽ lắng nghe Hamas và ngược lại". Ông Sami cho hay, Hamas không nghĩ là Nga sẽ áp đặt bất cứ điều kiện nào đối với nhóm này, mặc dù Mỹ kêu gọi Mátxcơva phải gửi thông điệp rõ ràng rằng Hamas cần ngừng các cuộc tấn công vào Israel và công nhận nhà nước Do Thái. Lời mời lãnh đạo Hamas thăm Nga cuối tuần trước và tuyên bố của ông Putin rằng ông không coi Hamas là một tổ chức khủng bố, đã khiến Israel thêm tức giận. Các quan chức Israel cho rằng Nga đã "phản bội" Israel và quyết định trên sẽ gây nên căng thẳng trong nhóm bộ tứ. Ông Meir Sheetrit - thành viên nội các Israel còn cho rằng hành động của Nga chẳng khác gì "đâm Israel từ sau lưng". "Tôi tin rằng Tổng thống Putin cũng sẽ tức giận nếu Israel mời các tổ chức khủng bố ở Chechnya tới Israel và thừa nhận tính hợp pháp của họ" - Sheetrit nói. Tuy nhiên, tại Gaza, ông Ismail Haniyeh, một lãnh đạo cao cấp của Hamas đánh giá cao lời mời của ông Putin và bác bỏ những lo ngại của Israel. "Hamas đang nắm quyền, đó là một thực tế. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhiều nước lớn trên thế giới sẽ bắt đầu ủng hộ Hamas" - ông tuyên bố. Tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga cho rằng, đối thoại với Hamas là cần thiết để đưa tiến trình hoà bình Trung Đông trở về đúng quỹ đạo. Tuyên bố của ông Putin thể hiện quan điểm khác biệt hiện nay của Nga so với Mỹ và Liên minh Châu Âu - vốn không muốn đối thoại với Hamas và xếp nhóm này vào danh sách khủng bố. Mỹ phản ứng rất bình tĩnh trước động thái trên của Nga. Ngoại trưởng Mỹ C.Rice nhắn Nga gửi thông điệp mạnh đến Hamas đề nghị nhóm này ngừng các hoạt động vũ trang. Pháp lại cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với lãnh đạo Hamas có thể thúc đẩy triển vọng hoà bình Trung Đông nếu diễn ra trong khuôn khổ nguyên tắc mà cộng đồng quốc tế đã đề ra trong lộ trình hoà bình. "Pháp đồng ý với Nga rằng cần phải đưa Hamas đến một vị trí để có thể đạt được mục tiêu là hai nhà nước (Israel và Palestine) cùng tồn tại trong hoà bình và an ninh" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói. Tr.M (Theo AP) |
▪ Người Hồi giáo chuyển qua tức giận Mỹ (10/02/2006)
▪ Lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi kiềm chế (11/02/2006)
▪ Phát hiện bất ngờ ở thung lũng Vua (11/02/2006)
▪ Quảng cáo đã lỗi thời? (12/02/2006)
▪ Phóng viên - nghề nguy hiểm (12/02/2006)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (10/02/2006)
▪ Bao giờ mới đến Rahul Gandhi? (11/02/2006)
▪ Sinh con trong toilet (11/02/2006)
▪ Quà từ biển (12/02/2006)
▪ Khi tổng thống nhăn mặt (12/02/2006)