Ngày nhậm chức được chuẩn bị từ khi nào? Từ trước ngày bầu cử Tổng Thống 4/11, các công nhân đã bắt đầu xây dựng khán đài trước Nhà Trắng để dùng cho ngày nhậm chức của Tân Tổng Thống. Cùng lúc, các hoạt động bên trong Nhà Trắng cũng đã rộn ràng cho cuộc chuyển quyền trong thời chiến tranh lần đầu tiên trong 4 thập kỷ qua. Như vậy là tiến trình chuyển quyền bắt đầu được thực hiện ngay trước khi lá phiếu bầu tổng thống đầu tiên được bỏ vào thùng. Vào lúc có kết quả bầu cử thì tiến trình này được xúc tiến một cách hoàn chỉnh. Đương kim Tổng thống Bush từng tuyên bố ưu tiên trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông là bảo đảm để hoạt động chuyển quyền được tiến hành thuận lợi và êm đẹp. Lịch sử ý tưởng chuyển quyền Ý tưởng về một tiến trình chuyển quyền chính thức bắt đầu vào năm 1952, khi Tổng Thống Dwight Eisenhower kế nhiệm Tổng Thống Harry Truman. Tổng Thống Truman nhận chức vào năm 1945, sau khi Tổng Thống Franklin Roosevelt qua đời. Bà Martha Kumar, một chuyên viên về chính trị học chuyên về vấn đề chuyển quyền Tổng thống Mỹ, cho biết ông Truman chỉ đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thống có vài tháng, “và ông không biết gì về một số sự việc diễn tiến trong chính quyền, bao gồm cả việc phát triển vũ khí nguyên tử và quả bom A. Do đó ông nghĩ rằng khi ông ra đi, điều rất quan trọng là người kế nhiệm cần phải biết được tất cả những gì đang diễn tiến trong chính phủ”. Những việc tiếp xúc trao đổi giữa chính phủ chuẩn bị ra đi và người mới đến càng ngày càng tăng qua thời gian và đạt đến một tầm quan trọng mới sau biến cố 11/9/2001, khi khủng bố tấn công vào nước Mỹ. Tổng Thống George Bush lúc bấy giờ mới cầm quyền được 8 tháng và chỉ có 30% nhóm phụ trách về an ninh quốc gia của ông được bổ nhiệm. Quốc Hội Mỹ đã ứng phó bằng cách thông qua một đạo luật cho phép thực hiện nhanh chóng tiến trình bổ nhiệm các chức vụ hàng đầu trong chính phủ, cho phép các ứng viên được chỉ định các chức vụ quan trọng trong ban tham mưu của mình ngay cả trước ngày bầu cử. Rút kinh nghiệm từ ông Bush, ngày 19/12 vừa qua, khi vừa tròn 1 tháng nữa là đến ngày nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Obama đã tuyên bố hoàn tất việc thành lập nội các tương lai của ông, với việc chỉ định ba chức vụ cuối cùng đó là Bộ trưởng Lao Động, Bộ trưởng Giao thông và đại diện thương mại của Mỹ. Chưa có vị tổng thống tiền nhiệm nào hoàn tất việc thành lập tân nội các nhanh chóng như thế trước khi chính thức nhậm chức. Trong một quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Obama muốn toàn bộ các thành viên chính phủ phải bắt tay vào việc ngay từ sáng ngày 21/1/2009. Tiến trình phê chuẩn việc bổ nhiệm các chức vụ bộ trưởng sẽ được tiến hành ở Thượng viện trước khi diễn ra lễ nhậm chức. Tiến trình chuyển quyền? Tiến trình chuyển quyền rất phức tạp vì luật pháp của nước Mỹ đòi hỏi tất cả những tài liệu của Tổng Thống phải được Tổng Thống mãn nhiệm mang đi. Do đó theo thông lệ thì những viên chức thuộc chính phủ mới khi vào Tòa Bạch Ốc trong ngày đầu tiên đều thấy các phòng làm việc trống rỗng cũng như các máy vi tính không còn lưu trữ những dữ liệu nào cả. Bà Martha Kumar cho biết là các viên chức của Tổng Thống Bush đang cố gắng hết sức mình để cho chính quyền mới có đủ các thông tin cần thiết để điều hành guồng máy công quyền. Bà Martha Kumar nói: “Vấn đề khó khăn là tất cả mọi thứ đều phải đem đi. Xe tải đến và tất cả những tài liệu được mang đi. Nhưng điều này không có nghĩa là không có những bản sao chép của các tài liệu này. Do đó có nhiều điều mà nhóm của Tổng thống Bush có thể cung cấp cho người của ông Obama”. Liên hệ thông tin cá nhân là vấn đề chính yếu. Bằng cách bổ nhiệm những người trong ban tham mưu sớm, Tổng Thống tân cử Barrack Obama giúp cho họ có đủ thời gian để làm việc, tham khảo với người sắp ra đi. Ông Obama từng tuyên bố rằng mục đích của ông là cần phải có một nhóm sẵn sàng làm việc khi ông nhận chức. “Tôi nghĩ là rất quan trọng để cho người dân Mỹ hiểu là chúng tôi tập họp được những người có khả năng hàng đầu và chúng tôi cũng cho người dân biết rõ là chúng tôi không có ý định làm cho chính quyền mới vấp ngã. Chúng tôi như một đội bóng sẵn sàng ôm bóng chạy”, nhà lãnh đạo rất hâm mộ môn bóng rổ này nói. Sự thực là người dân Mỹ cũng rất quan tâm đến việc chuyển quyền. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 68% người dân theo dõi tiến trình này, chỉ kém một ít so với 78% người dân theo dõi cuộc bầu cử. Nguyễn Viết Theo VOA |
▪ “Bush shoe” làm nóng thị trường giày (22/12/2008)
▪ 10 sự kiện thế giới nổi bật theo đánh giá của AP (22/12/2008)
▪ Mỹ chuẩn chi 17,4 tỉ USD cứu ngành ô tô (20/12/2008)
▪ Giá dầu chỉ còn 36 USD (19/12/2008)
▪ OPEC: Vẫn không nhấc nổi giá dầu (19/12/2008)
▪ Teen "Tây" bán hình ảnh trên websex (19/12/2008)
▪ Chiến dịch chống tham nhũng của FBI - Kỳ cuối: Thách thức quyền lực (19/12/2008)
▪ Trung Quốc: ngoài “băm”, vẫn chờ duyên (19/12/2008)
▪ Trung Quốc - 30 năm với những thành tựu cải cách (19/12/2008)
▪ Top 10 vụ bê bối năm 2008 (19/12/2008)