Tân Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam André Haspels: Tôi sẽ quảng bá hình ảnh Việt Nam "Đến VN, tôi thấy tiềm năng du lịch của các bạn vô cùng lớn. Hiện mỗi năm chỉ có khoảng 30.000 du khách Hà Lan tới đây. Với tư cách là Đại sứ Hà Lan, tôi sẽ nỗ lực quảng bá hình ảnh của VN để làm sao sau khi hết nhiệm kỳ 4 năm, con số trên sẽ tăng gấp 10 lần" - Đại sứ Hà Lan André Haspels nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Lao Động khi vừa nhận nhiệm vụ ngay trước ngày Quốc khánh VN. - Ưu tiên lớn nhất của ông trong nhiệm kỳ đại sứ lần này là gì? - Mục tiêu lớn nhất của tôi là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển để đóng góp hiệu quả vào quá trình tăng trưởng kinh tế của VN. Ngoài ra, chúng tôi muốn mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác như thương mại, văn hoá, hợp tác giữa các trường đại học... - Năm 1999, Hà Lan đã giảm số nước nhận viện trợ song phương từ 70 xuống còn 34? Tại sao Hà Lan vẫn giữ VN trong danh sách được nhận viện trợ của mình? - Tiêu chuẩn đầu tiên của chúng tôi để xem xét viện trợ là thu nhập bình quân GDP đầu người/năm không quá 580USD. Thứ hai là nước nhận viện trợ phải có một hệ thống chính sách kinh tế xã hội đảm bảo, có cơ cấu tổ chức tài chính thích hợp để điều hành tốt khoản tài trợ. Đối với chúng tôi, VN là một trong những đối tác sử dụng tốt nhất nguồn viện trợ. Trong các báo cáo của mình, VN đề ra các mục tiêu phát triển rõ ràng cùng những biện pháp để đạt mục tiêu đó. Điều này đã thuyết phục chúng tôi. - VN cũng là một trong 16 nước được hưởng Chương trình hợp tác với thị trường mới nổi của Hà Lan (PSOM). VN được lợi gì khi tham gia chương trình này? - Đây là chương trình nhằm hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân ở VN. Chương trình cung cấp tài chính cho các sáng kiến dự án mang tính tiên phong được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa đối tác kinh doanh VN và Hà Lan. Ngân sách của PSOM dành cho VN có thể lên tới 3 triệu euro/năm tuỳ vào số lượng các đề xuất dự án. Tổng giá trị mỗi dự án tối đa là 1,5 triệu euro/năm. - Với tư cách là thành viên EU, Hà Lan sẽ làm gì để thúc đẩy kết thúc đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12 tới để các nước đang phát triển có thêm cơ hội tiếp cận thị trường? - 25 nước EU có chính sách thương mại chung. Uỷ ban Châu Âu (EC) thay mặt các nước EU để đàm phán về vấn đề này. Hiện đang có sự khác biệt giữa các nước EU ở miền bắc và miền nam. Miền nam có xu hướng bảo hộ thị trường, trong khi các nước miền bắc muốn mở cửa ra thị trường và dành nhiều ưu đãi cho các nước đang phát triển. Để thuyết phục họ có cùng quan điểm cũng khá phức tạp. Vụ phong toả 80 triệu sản phẩm dệt may nhập khẩu vào EU của Trung Quốc vừa qua là ví dụ rõ nhất về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng việc trở thành thành viên WTO sẽ tạo điều kiện cho VN tăng cường công khai hoá và hệ thống pháp lý tốt hơn, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và qua đó sẽ thu hút được nhiều công ty hơn. Về phần mình, chúng tôi muốn giảm thuế nhập khẩu và hỗ trợ sản xuất và thương mại cho các nước đang phát triển, trong đó có VN. |
▪ Không thể cưu mang kẻ có tội (31/08/2005)
▪ Tưởng vinh mà nhục! (02/09/2005)
▪ Lựa chọn thiệt hơn (04/09/2005)
▪ Xài tiền chùa? (06/09/2005)
▪ Tập giữ eo kiểu Mỹ (31/08/2005)
▪ Quốc hội thời kỹ thuật số (02/09/2005)
▪ Thân gần đứt làm đôi mà không chết (03/09/2005)
▪ Clinton "tranh thủ" Katrina? (06/09/2005)
▪ Anh: Học sinh được phép chửi thề trong lớp (06/09/2005)
▪ Tình trạng bất bình đẳng của thế giới toàn cầu hóa (05/09/2005)