Tình trạng bất bình đẳng của thế giới toàn cầu hóa
Các Website khác - 05/09/2005
Một báo cáo của Liên hợp quốc mới công bố cho thấy, kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh chưa từng có nhờ toàn cầu hóa nhưng bất bình đẳng cũng ngày càng sâu sắc. Người giàu thì ngày càng giàu hơn và người nghèo lại trở nên nghèo hơn. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng phụ nữ phải chịu vất vả hơn nam giới trong mọi tầng lớp xã hội.

Ở châu Á - Thái Bình Dương hiện có tới nửa tỷ người bị bán thất nghiệp hoặc thất nghiệp trong tổng số 1,7 tỷ lao động của khu vực.

Báo cáo với đầu đề “Tình hình xã hội thế giới: Tình trạng bất bình đẳng” được công bố tuần trước, chỉ ba tuần trước khi cuộc họp thượng đỉnh thế giới do Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan kêu gọi tổ chức để bàn về các vấn đề cấp bách của thế giới là đói nghèo, bệnh tật và nạn mù chữ toàn cầu.

Bản báo cáo nêu bật hố ngăn cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo, giữa các công nhân lành nghề và những người không có chuyên môn, sự chênh lệch ngày một gia tăng về y tế, giáo dục và các cơ hội tham gia vào hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị.

Theo báo cáo, thế giới ngày nay bị phân cực hơn cách đây 10 năm. Báo cáo kêu gọi các nước thực hiện mạnh mẽ hơn các cam kết của Hội nghị Thượng đỉnh về Sự phát triển Xã hội tổ chức tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch năm 1995. Tại hội nghị đó, lãnh đạo các nước trên thế giới hứa giải quyết các thách thức sâu sắc về mặt xã hội và coi con người là trung tâm của sự phát triển.

“Nhưng thực tế kể từ đó, khoảng cách xã hội kéo dài hàng thập kỷ qua đã lại rộng hơn, đặc biệt là sự bất bình đẳng giới,” Jose Antonio Ocampo, phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề Kinh tế - Xã hội LHQ nói trong đó “phổ biến nhất” là sự phân biệt giới. Ông Ocampo nhấn mạnh có tới 60% số công nhân phi chính thức trên thế giới, những người không được pháp luật bảo vệ là phụ nữ. Ông Ocampo cho biết mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ được học tập nhưng số lao động chính thức dành cho nữ giới đã không tăng, thậm chí còn giảm ở một số khu vực trên thế giới”.

Bản báo cáo 158 trang chỉ ra rằng sự bất bình đẳng thường tỷ lệ thuận với tốc độ toàn cầu hóa. Những sự bất bình đẳng này đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực như việc làm, an toàn lao động và lương bổng. Báo cáo cảnh báo: Việc chỉ coi trọng tăng trưởng kinh tế và tạo thu nhập là không hiệu quả. Nó sẽ chỉ tích lũy của cải cho một số người và làm cho nhiều người nghèo càng nghèo hơn.

Các tác giả nhấn mạnh, trong thế giới của sự phát triển công nghệ cao, trong khi các xã hội được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế thì nhiều người lại trở thành nạn nhân của sự phân hóa giàu nghèo. Thậm chí các nước tương đối giàu như Mỹ, Canada và Anh cũng không thoát khỏi xu thế này. Hai nước lớn châu Á Trung Quốc và Ấn Độ đạt tăng trưởng nhanh, cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bất bình đẳng. Điều này cũng xảy ra ở một số nước châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi. Báo cáo cho biết rằng, chỉ tính riêng ở vùng Sahara châu Phi, số người nghèo tuyệt đối đã tăng gần 90 triệu người trong hơn một thập kỷ, từ 1990 đến 2001.

Ở châu Mỹ Latin, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ gần 7% trong năm 1995 đến 9% năm 2002. Nhiều công nhân rơi vào diện lao động không chính thức, ở đó các điều kiện làm việc “thường không xứng với con người và lương thấp”. Ở các nước như Brazil, Guatemala và Bolivia, vấn đề chủng tộc và sắc tộc tiếp tục là yếu tố quyết định đến các cơ hội kinh tế. Theo báo cáo, người bản địa và người gốc da đen có thu nhập trung bình thấp hơn người da trắng từ 35-65%, và ít có cơ hội được học tập và có được nơi ăn chốn ở.

Đề cập đến các giải pháp, báo cáo chỉ ra việc cần thiết là phải điều chỉnh sự bất cân bằng kinh tế trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Đáng chú ý rằng 80% GDP của thế giới thuộc vào một tỷ người sống ở các nước công nghiệp phát triển, trong khi 5 tỷ người ở các nước đang phát triển chia nhau 20% còn lại. Lo ngại về tiến triển chậm đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, ông Annan đã nhiều lần kêu gọi các nước giàu thực hiện cam kết của họ trong việc dành ít nhất 0,7% tổng sản phẩm quốc dân trợ giúp các nước nghèo.

Vấn đề này cũng được đưa vào dự thảo văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh tháng Chín nhưng gần đây Mỹ đã đề xuất những sửa đổi. Theo đó sẽ hủy bỏ các cam kết mới về việc viện trợ nước ngoài cho các nước nghèo thay bằng việc tập trung vào các vấn đề như chủ nghĩa khủng bố và an ninh. Tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến 2015 gồm có: Giảm 50% đói nghèo; phổ cập giáo dục tiểu học; giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh; giảm ba phần tư tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ sinh con; đẩy mạnh bình đẳng giới; bảo vệ môi trường bền vững; ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh khác; và hợp tác mang tính toàn cầu cho sự phát triển giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Báo Bưu điện Washington, dẫn nguyên văn các đề xuất của Washington viết: “Chính phủ Mỹ kêu gọi không đề cập đến Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” và chính quyền đã công khai phàn nàn rằng mục viết về đói nghèo quá dài.

Các nhà nghiên cứu của LHQ cũng cho rằng sự phân cực giữa người giàu và người nghèo là mối đe dọa lớn đối với các nền dân chủ trên khắp thế giới, sẽ gây ra bạo lực và khủng bố nhiều hơn nếu xu thế này không được đảo ngược.

Trong lời nhận xét của mình, ông Ocampo cảnh báo: “Không chú tâm đến tình trạng bất bình đẳng chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất công xã hội và không thể bảo đảm các điều kiện sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Điều đó sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng xã hội ngày một gia tăng trên thế giới và tất cả mọi người sẽ phải trả giá”.

Huy Cường
Theo Thời báo châu Á