Trung Quốc: "Vaccin" phòng chống tham nhũng từ ghế nhà trường Tham nhũng là một "căn bệnh mãn tính" khá phổ biến ở Trung Quốc (TQ). Bất chấp những biện pháp cứng rắn của chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng, kể cả với nhiều án tử hình dành cho các quan chức "coi tiền của công là tiền của mình", dường như vấn nạn này vẫn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thêm một biện pháp mới từ đầu 2005, Chính phủ TQ đã tìm cách "ngăn ngừa từ xa": giáo dục phòng chống tham nhũng cho thế hệ tương lai ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bắt đầu từ thành phố Hàng Châu Ngay từ năm 1999, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản TQ (CPC) đã kêu gọi tăng cường công tác giáo dục nhằm xây dựng một chính phủ sạch và trung thực, đồng thời gia tăng các nỗ lực kiềm chế tệ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả thu được từ những chiến dịch truy quét mạnh mẽ các "con quỷ" tham nhũng không làm nguội đi vấn đề vốn đang rất "nóng bỏng" của đất nước hơn 1,3 tỉ dân này: các tệ nạn ăn đút lót, hối lộ đã và đang trở nên một bệnh dịch thực sự. Trước tình hình đó, đầu năm nay CPC đã đề ra phác thảo cho việc thiết lập cơ chế chống tham nhũng và khẳng định, việc giáo dục chống tham nhũng cần phải là công việc của "toàn Đảng" và "toàn xã hội". Và một trong những chương trình giáo dục phòng chống tham nhũng quan trọng đã được khởi động trong các trường học phổ thông, nhằm mục đích nuôi dưỡng đức tính trung thực cho thế hệ tương lai của đất nước.
Thực ra chương trình này đã bắt đầu từ hơn 1 năm qua, tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Nó đã được thực hiện tại bậc tiểu học và trung học cơ sở ở một số quận trong thành phố và sẽ được nhân rộng trên toàn bộ các trường khác từ tháng 9 tới. Xu Subin - Phó ban Thanh tra Hội đồng Kỷ luật Hàng Châu - cho biết: "Chương trình giáo dục mới nhiều hình thức khác nhau thông qua các bài giảng, xemina, khảo sát thực tế, đọc tài liệu và tìm tòi trên mạng Internet, nhằm giúp học sinh có tư tưởng và hành động chống tham nhũng". Chương trình này cũng giúp ngăn ngừa những "ảnh hưởng có hại" của các hiện tượng và quan niệm về tham nhũng đối với giới trẻ. Những người biên soạn bài giảng cho chương trình phòng chống tham nhũng tập trung vào 4 lĩnh vực chính, gồm đạo đức, tính cách Trung Hoa truyền thống, lý tưởng và lòng tin và giáo dục luật pháp.
Trưởng ban Thanh tra Hội đồng Kỷ luật Hàng Châu Ye Ming cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng, giáo dục phòng chống tham nhũng có thể giúp giới trẻ miễn nhiễm các ảnh hưởng xấu từ người lớn và ngăn ngừa những mầm mống tham nhũng khi các em lớn lên". Bộ Giáo dục TQ cũng đã bắt đầu chiến dịch giáo dục phòng chống tham nhũng tại các tỉnh và thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Chiết Giang, Hồ Bắc, Thiểm Tây, Quảng Châu... từ học kỳ 2 năm học vừa rồi. Trước đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ cũng phát đi lời kêu gọi nhằm khơi dậy một đợt vận động chống tham nhũng trên toàn quốc.
Biết sớm càng tốt Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến phản đối ý tưởng giáo dục phòng chống tham nhũng trên ghế nhà trường. Họ lập luận rằng, tham nhũng là "căn bệnh" của người lớn, và việc "tiêm vaccin" phòng chống tham nhũng cho trẻ em chẳng khác gì chuyện "người lớn mắc bệnh, trẻ em uống thuốc". Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, việc làm này là hoàn toàn cần thiết. Nạn hối lộ, ăn của đút xảy ra "như cơm bữa" trong cuộc sống hàng ngày, kể cả trong môi trường giáo dục, đã tác động tiêu cực vào nhận thức của các em.
Trong một cuộc khảo sát tiến hành năm 2003 trên 200 học sinh trung học cơ sở ở Hàng Châu, khi được hỏi về "các cám dỗ chủ yếu", đa phần các em trả lời là "tiền" và "chức vụ"; nhiều em coi lớp trưởng thuộc về "tầng lớp trên" và có quyền "dùng roi trừng phạt các bạn khác trong lớp". Cheng Wenhao - giảng viên Đại học Thanh Hoa - cho biết, ông đã đọc rất nhiều báo cáo về việc học sinh tiểu học mua chuộc các bạn cùng lớp để được bầu làm lớp trưởng và gọi đó là mầm mống của tệ nạn tham nhũng. Ông hoàn toàn ủng hộ việc giáo dục phòng chống tham nhũng đối với các cô cậu học sinh nhỏ tuổi và cho rằng đó là việc làm "vô cùng cần thiết".
Chương trình giáo dục mới là kết quả của những kinh nghiệm quý giá từ các nước và các khu vực trên thế giới. Hội nghị chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc đã quy định việc giáo dục chống tham nhũng cần được đưa vào chương trình phổ thông. Nước đi đầu trong việc phòng chống tham nhũng như Singapore cũng tin rằng, giáo dục chống tham nhũng cho công dân cần được bắt đầu ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Hoàng Giang (Theo China View)
Một vài số liệu tham nhũng ở TQ năm 2004
- Số tiền bị biển thủ trong các cơ quan chính phủ: 9,06 tỉ nhân dân tệ (NDT) tương đương 1,1 tỉ USD.
- Số tiền tham ô trong các công ty nhà nước: 14,5 tỉ NDT (1,75 tỉ USD).
- Số tiền lệ phí thu bất hợp pháp tại các trường đại học công: 868 triệu NDT (105 triệu USD).
- Số tiền bị biển thủ trong nghiên cứu khoa học: 669 triệu NDT (81 triệu USD). (Theo Agence France-Presse) |
|