Ngoại giao góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
Trí Minh Sáng 19.8, Bộ Ngoại giao đã tổ chức míttinh trọng thể kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (VN) (28.8.1945 - 28.8.2005). Trong 60 năm qua, ngành ngoại giao đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định và tranh thủ được ngày càng nhiều điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, khiến cho vị thế và vai trò của VN không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. 
| Các thế hệ ngành ngoại giao trong lễ kỷ niệm 60 năm. | Từ khôn khéo trong kháng chiến... Cách đây 60 năm, ngày 28.8.1945, cùng với việc tuyên bố thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngành ngoại giao VN hiện đại đã ra đời. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.
Trong không khí của ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, các thế hệ cán bộ ngoại giao dự buổi míttinh đã kính cẩn nhớ tới Bác Hồ - người khai sinh nền ngoại giao VN hiện đại và tạo dựng phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. "Chúng ta nhớ lại những hoạt động ngoại giao tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, vận mệnh dân tộc ở vào tình thế hiểm nghèo nhất, đến những hoạt động ngoại giao sôi động, nhưng rất khó khăn phức tạp trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ những cuộc đàm phán gay go và đầy thử thách để dẫn tới ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Đó là những mốc son quan trọng mang tính lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi để đưa đến thắng lợi trọn vẹn của mùa xuân năm 1975, Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, tổ quốc được thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà" - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại cuộc míttinh.
... đến linh hoạt trong đổi mới Sau khi chiến tranh kết thúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao tiếp tục là một lực lượng chủ động góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi thế cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, tạo ra những bước đột phá trong quan hệ quốc tế của nước ta. Từ việc tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia đến việc bình thường hoá quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn; từ việc gia nhập khối Pháp ngữ (Francophonie), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Á - Âu (ASEM) đến việc tổ chức các hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 7, Hội nghị cấp cao ASEAN 6, Hội nghị cấp cao ASEM 5, đang chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 (cuối năm 2006) và đang đẩy mạnh vận động cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngoại giao đã góp phần tạo dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
"Chưa bao giờ sự giao lưu, hợp tác của VN với các nước ở khắp các châu lục, ở tất cả các cấp và trên tất cả các lĩnh vực lại diễn ra sôi động như hiện nay" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá.
Chủ tịch nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở trong bối cảnh vừa có thời cơ lớn, vừa có thách thức không nhỏ đan xen. Nhiệm vụ của ngoại giao là rất nặng nề. Ngành ngoại giao cần tích cực, chủ động hơn nữa, sáng tạo và linh hoạt hơn nữa nhằm giữ vững và không ngừng củng cố môi trường quốc tế ổn định, để chúng ta có điều kiện tập trung cao độ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội".
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cam kết, trong thời gian tới, ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, vận dụng sáng tạo tư tưởng và phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh "thêm bạn, bớt thù", "dĩ bất biến, ứng vạn biến", góp phần xứng đáng vào việc xây dựng một nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", sánh vai cùng các nước tiên tiến trong cộng đồng thế giới.
"Việc Việt Nam tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế ASEAN/AFTA, APEC, ASEM... đã tạo điều kiện cho ta mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế. Hiện nay, nước ta đã có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 150 nước và vùng lãnh thổ, đã ký hiệp định thương mại với trên 80 nước và vùng lãnh thổ. Châu AÁ là thị trường xuất khẩu quan trọng của ta, trong đó Nhật Bản chiếm khoảng 16%, ASEAN chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. EU chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng đột biến sau gần 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (từ 1.053 triệu USD năm 2001 lên 5.276 triệu USD năm 2004)...
Trong xu thế toàn cầu hoá và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới hiện nay, ngành ngoại giao Việt Nam xác định rằng, việc triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tối đa những cơ hội phát triển và khắc phục nguy cơ tụt hậu là yêu cầu cấp thiết đối với đất nước ta. Vì vậy, ngoại giao Việt Nam luôn lấy nội dung phục vụ phát triển kinh tế làm trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của mình". Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng |
|