Bài 3: Việc có, người đâu?
Các Website khác - 20/08/2005
Theo bước chân xoá nghèo của lao động VN tại Malaysia:
Bài 3:
Việc có, người đâu?

Xuân Quang (từ Kuala Lumpur)
Có lẽ chưa bao giờ guồng máy tìm kiếm lao động giữa các công ty cung ứng VN và đối tác môi giới lao động Malaysia lại phải vận hành hối hả đến vậy. Có thể xem đây như một hiện tượng trái ngược với những gì diễn ra lâu nay ở các thị trường xuất khẩu lao động: Việc đi tìm người.

Lao động Traenco đang làm việc
tại Nhà máy Kecom (Malaysia).

Chuyện từ một nhà máy đa sắc tộc
Từ Kuala Lumpur, mất 5 giờ đi xe buýt, bạn sẽ đến Kecom - một nhà máy chuyên sản xuất bêtông đúc sẵn ở Johor. Công nhân ở đây gồm các quốc tịch Hàn Quốc, Malaysia, Bangladesh, Nepal, Trung Quốc, Ấn Độ và VN. "Một nhà máy đa sắc tộc" - ông chủ người Hàn tên là Byongsu Ju nói - "Công nhân ở đây nói với nhau bằng 3 thứ tiếng: Mã, Trung và Anh, nói tiếng này không hiểu thì dùng tiếng khác, có khi một câu trộn cả ba ngôn ngữ". Công nhân VN có 51 người, trong đó 43 người do Công ty Traenco cung ứng.

Nói sản xuất bêtông nghe có vẻ nặng nề, vất vả, song những công nhân của chúng ta thực tế chỉ đứng máy và thực hiện những thao tác khá đơn giản. Hoàng Tiến Hùng (quê Chí Linh, Hải Dương) và Nguyễn Bá Dũng (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) là hai công nhân đứng cùng nhau trong một công đoạn khoán được chủ cho tạm nghỉ để trò chuyện với chúng tôi. Cả hai đều mới sang hồi tháng 6, sau một tháng làm việc thu nhập chưa được như ý (khoảng 600RM), tuy nhiên, các em hiểu đó là do mới sang, tay nghề còn non chưa hoàn thành được chỉ tiêu khoán. Tháng 8 chắc chắn lương sẽ cao hơn. Cả 51 công nhân VN ở đây không có phàn nàn gì về công việc.

Tuy nhiên, người quản lý Byongsu Ju thì lại phàn nàn. Ông bảo, ông rất quý lao động VN vì tay nghề và sự thông minh trong công việc, song ông không thể giao tiếp được với họ bởi tiếng Anh của họ kém quá. Mặc dù vậy, so với những lao động nước ngoài hiện có, ông thích dùng công nhân VN hơn. Ông cho biết, sắp tới nhà máy có thêm một số dự án mới, khối lượng công việc lớn, nhu cầu lao động cũng rất lớn và ông đã đặt hàng Traenco tiếp tục tuyển người cho nhà máy. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng - đại diện Traenco tại Malaysia - ngoại trừ 8 công nhân sẽ sang sau một vài ngày nữa, Traenco rất khó lo đủ nguồn cho Kecom. Theo ông Dũng, cái khó đối với các doanh nghiệp bây giờ không phải là đơn hàng mà là tuyển lao động trong nước. Từ nhiều tháng nay, đích thân Phó Giám đốc công ty - ông Nguyễn Hồng Sơn - phải "nằm" ở mấy tỉnh miền núi phía bắc để tìm người mà chưa đủ. Ông Byongsu Ju bảo, nếu không có công nhân VN, ông sẽ phải tuyển công nhân Myanmar thay thế...

Nhận lao động thô cũng không đủ
Thiếu nguồn đang là vấn đề hóc búa của tất cả doanh nghiệp VN. Một loạt chủ môi giới lao động Malaysia từ đầu năm nay còn chủ động sang VN để tìm nguồn lao động. Nhiều Cty lớn của Malaysia như Hualon, Eastern, Gim Lifashion (M) SDN BHD... đang cần lao động ta với số lượng lớn (trung bình 1.000 - 2.000 người làm việc tại các ngành nghề may, điện tử, dệt, thuỷ sản...). Các doanh nghiệp lớn của ta như Traenco, LOD, Simco, Vinamoto, Vạn Xuân, Airserco, Virasimex, Sona, Châu Hưng... cũng như 103 doanh nghiệp đã được cấp phép thời gian này đều đã ký được nhiều hợp đồng có giá trị chỉ chờ người lao động ghi danh. Thậm chí, phía bạn sẵn sàng tiếp nhận lao động "thô" (chưa qua đào tạo) và sẽ đào tạo miễn phí sau khi tiếp nhận vào làm việc.

Tiêu chuẩn, điều kiện dễ dàng, nhưng việc tuyển "quân" lại không như vậy. Cty Vạn Xuân mới đây có một đơn hàng tuyển 100 lao động đi làm nghề điện tử ở Malaysia, với mức lương tối thiểu 900 - 1.100RM và chi phí đầu vào chỉ khoảng 900USD. Đơn hàng hấp dẫn vậy, nhưng dù đã đi đến tận các địa phương như Hải Dương, Hưng Yên để tuyển (phổ biến đích danh nhà máy, lương bổng, điều kiện ăn ở...), Cty vẫn chưa tìm đủ người, trong khi phía bạn vẫn liên tục giục giã. Một đại diện doanh nghiệp (xin không nêu tên) tại Malaysia cho biết, doanh nghiệp mà ông làm đại diện chỉ đáp ứng được chừng 1/3 số lượng đơn hàng mà ông "kiếm" được. Để giữ uy tín với đối tác, ông phải chuyển số đơn hàng đó đi các doanh nghiệp khác và nếu vẫn không đủ, ông chuyển cho... nước khác.

Theo ông Mai Viết Khai, dư luận trong nước cũng chưa có cái nhìn thấu đáo về thị trường này. "Một thị trường đã tiếp nhận đến 100.000 người VN, mỗi tháng góp về nước 250 tỉ đồng thì không thể là một thị trường bất ổn" - ông nói.

Bài 4: Những công nhân Tày, Nùng ở Shah Alam