"Việt Nam - con đường thức tỉnh tôi"
Các Website khác - 09/09/2005
Ông John Percy - Bí thư Quốc gia Đảng PSD (Australia):
"Việt Nam - con đường thức tỉnh tôi"

"Suốt 40 năm qua, tôi mang trong lòng món nợ cá nhân đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam, món nợ đối với đất nước đã thức tỉnh tôi về nhận thức chính trị, giúp tôi có được cuộc sống trọn vẹn vì sự giải phóng con người", giọng trầm trầm, ông John Percy (ảnh) - Bí thư Quốc gia Đảng Viễn cảnh Xã hội dân chủ (PSD), Australia - tâm sự.

Đối với ông John Percy, năm 2005 không chỉ là dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Việt Nam, mà còn đánh dấu 40 năm lễ kỷ niệm đặc biệt của riêng ông: Thời điểm ông được giác ngộ chính trị nhờ cuộc kháng chiến tại Việt Nam.

Năm 1965, Percy là một trong những sinh viên hăng hái nhất của Đại học Sydney tham gia chiến dịch phản đối chính quyền Australia đưa lính tham chiến tại Việt Nam. Tháng 5 năm đó, ông là một trong những người biểu tình đầu tiên bị chính quyền bắt giam.

"Hành động ngăn chặn của chính quyền không làm tôi nhụt chí. Ngược lại, tiếng nói yêu nước từ Việt Nam đã nhắc nhở tôi về thời khắc của chủ nghĩa hành động, của sự cấp tiến và thức tỉnh" - ông nói.

- Gia đình phản ứng thế nào về việc ông bị bắt?

- Ban đầu, mẹ tôi không đồng ý cho tôi tham gia biểu tình, nhưng đã dần bị thuyết phục bởi sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến Việt Nam. Tuy nhiên, bà vẫn lo lắng cho tiền đồ của tôi, vì tôi dành phần lớn thời gian cho hoạt động chống chiến tranh Việt Nam, nên không thể chuyên tâm cho việc học tập tại khoa Kỹ thuật Đại học Sydney...

- Nhưng ông vẫn quyết định đi theo tiếng gọi từ Việt Nam?

- Đúng thế. Sau đó, tôi chuyển sang học về chính trị và triết học, để có nhiều thời gian hơn cho Việt Nam. Chính quyền Canberra khi đó đã dùng nhiều cách thức khác nhau để ngăn chặn phong trào biểu tình. Họ càng cản trở, chúng tôi càng quyết tâm.

Thời kỳ đó, báo chí và truyền hình Australia chỉ đưa tin một chiều ủng hộ chính phủ đưa quân tham chiến tại Việt Nam. Vì vậy, đôi khi chúng tôi đã liều lĩnh đột nhập vào trụ sở truyền hình để thu hút sự chú ý đối với tiếng nói chống chiến tranh. Vào cuối năm 1965, tôi đã giác ngộ chủ nghĩa Marx, và tiếp tục con đường đã chọn trong suốt 4 thập niên qua.

- Vì sao ông lại chọn theo chủ nghĩa Marx, vốn không được ủng hộ tại các nước phương Tây?

- Đó không phải là vấn đề đi ngược lại đa số, mà là sự lựa chọn muốn thay đổi những điều sai trái trong xã hội. Vào những năm 1960, thế hệ chúng tôi không chỉ bị ấn tượng bởi cuộc cách mạng Việt Nam, Cuba, mà còn bị ảnh hưởng bởi "tháng cách mạng" tại Pháp vào tháng 5.1968 - với khởi đầu là các cuộc míttinh ủng hộ Việt Nam, dẫn đến làn sóng biểu tình rộng khắp của hơn 10 triệu công nhân.

Tôi nhận ra rằng, hành động cách mạng đâu chỉ diễn ra ở những nước thế giới thứ ba, mà cả ngay trong lòng đế quốc Pháp khi đó. Và tôi muốn được là một mắt xích trong cuộc cách mạng thế giới. Tuy nhiên, sau 40 năm sống với "món nợ đặc biệt" với Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi may mắn được đến với đất nước của các bạn.

- Ấn tượng của ông về Việt Nam ngày nay?

- Rất năng động, thân thiện và đầy tự tin!

- Được biết, ông có ý định tổ chức chiến dịch ủng hộ vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam tại Australia. Ông có thể nói rõ hơn về dự định này?

- Hôm 7.9, tôi đã gặp Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về tình hình. Quả là đau lòng, khi chiến tranh dù đã qua 30 năm, nhưng nhiều người dân Việt Nam vẫn phải sống với những di chứng nặng nề do chất độc da cam Mỹ rải xuống.

Tôi dự định sẽ tổ chức các trang báo đặc biệt về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trên website của tuần báo Đảng PSD (www.greenleft.org.au), liên hệ với các cựu chiến binh Australia tại Việt Nam để tìm tiếng nói ủng hộ vụ kiện.

Tôi muốn người dân Australia hiểu hơn về nỗi đau da cam tại Việt Nam, và rằng chính nghĩa thuộc về Việt Nam trong vụ kiện vì công lý này.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Thuỷ thực hiện